Ngày 20/7, tân Đại sứ Mỹ tại Myanmar Derek Mitchell cho biết còn quá sớm để bãi bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Theo Đại sứ Mitchell, người nhậm chức hồi đầu tháng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar dựa theo tiến trình cải cách tại nước này.
Đại sứ Mỹ tại Myanmar Derek Mitchell (trái) và Tổng thống Myanmar, Thein Sein, tại Dinh Tổng thống, ngày 11/7/2012. Ảnh: Internet |
Ngày 18/7 vừa qua, Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã ủng hộ việc kéo dài lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa của Myanmar thêm 3 năm nữa và biện pháp trừng phạt này cần được Quốc hội thông qua.
Tuần trước, Tổng thống Obama tuyên bố nới lỏng các biện pháp trừng phạt, qua đó cho phép các công ty Mỹ đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính vào Myanmar.
Lệnh cấm đầu tư và nhập khẩu của Mỹ đối với Myanmar được áp dụng từ năm 1997 song trong thời gian gần đây, quan hệ song phương bắt đầu có chiều hướng cải thiện từ chuyến thăm lịch sử tới Myanmar hồi tháng 12/2011 của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông Mitchell cũng là Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Myanmar sau 22 năm quan hệ giữa hai nước gián đoạn.
Quyết định nới lỏng cấm vận kinh tế với Myanmar sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ không bị "gạt ra ngoài" trong viễn cảnh mà một số nhà kinh tế cho là "cuộc đổ xô" tới quốc gia Đông Nam Á giàu tài nguyên này. Các doanh nghiệp châu Á đã làm ăn ở Myanmar từ lâu, trong khi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng Tư cũng đã ngừng hầu hết các cấm vận kinh tế đối với Myanmar.
Myanmar cùng các nước láng giềng khu vực đã kêu gọi dỡ bỏ tất cả những cấm vận quốc tế với nước này khi Myanmar đang tiến vào "làn sóng thứ hai" của các chương trình cải cách kinh tế.
Myanmar đang được xem là thị trường đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư với những lợi thế như tài nguyên phong phú, lực lượng lao động chi phí thấp, tiềm năng tăng trưởng cao và vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
TTXVN/ Tin Tức