Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế Myanmar



Nhằm đáp lại tiến trình cải cách tích cực gần đây tại Myanmar, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/7 tuyên bố nới lỏng các biện pháp trừng phạt, qua đó cho phép các công ty Mỹ đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính vào quốc gia Đông Nam Á này.


Trong một tuyên bố tại Washington, Tổng thống Obama gọi động thái trên là "tín hiệu mạnh mẽ" thể hiện sự ủng hộ của Mỹ trước tiến trình cải cách đang diễn ra ở Myanmar. Ông đồng thời ghi nhận những tiến bộ đáng kể cũng như những cải cách quan trọng về cả kinh tế lẫn chính trị do chính phủ và người dân Myanmar thực hiện.

Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về điều mà ông gọi là "sự thiếu minh bạch trong môi trường đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á này trong bối cảnh Myanmar đang từng bước thực hiện tiến trình cải cách.


Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: THX/ TTXVN


Theo đó, sắc lệnh của Tổng thống Obama yêu cầu các công ty và cá nhân Mỹ làm ăn tại Myanmar đầu tư hơn 500.000 USD sẽ phải nộp báo cáo hàng năm về các hoạt động của họ nhằm đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn doanh nghiệp quốc tế của Mỹ.


Theo Bộ Ngoại giao và Tài chính Mỹ, mục đích của việc báo cáo công khai trên là nhằm thúc đẩy sự minh bạch cũng như khuyến khích xã hội dân sự Myanmar hợp tác với các công ty Mỹ hướng đến một môi trường đầu tư có trách nhiệm.


Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng bày tỏ lo ngại về vai trò của quân đội trong nền kinh tế Myanmar, đồng thời cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các công ty do quân đội nắm quyền, những đối tượng phá hoại tiến trình cải cách của Naypyidaw gây mất ổn định đất nước, dính dáng tới xung đột sắc tộc hoặc tham gia thương vụ quân sự với CHDCND Triều Tiên.


Lệnh cấm đầu tư và nhập khẩu của Mỹ đối với Myanmar được áp dụng từ năm 1997.


Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quan hệ Mỹ- Myanmar bắt đầu có chiều hướng cải thiện từ chuyến thăm lịch sử tháng 12/2011 của Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Myanmar, và ngày 16/5 vừa qua , Bộ trưởng Ngoại giao Myanma Wunna Maung Lwin đã thăm Mỹ.


Trong một diễn biến mới nhất, Mỹ cùng ngày đã bổ nhiệm Đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Myanmar, ông Derek Mitchell, làm đại sứ Mỹ đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 1990.


Theo giới quan sát, việc bổ nhiệm đại sứ tại Myanmar nằm trong chủ trương của Mỹ khôi phục từng bước quan hệ ngoại giao với quốc gia Đông Nam Á này sau 22 năm gián đoạn.


TTXVN/ Tin Tức

Mỹ và Myanmar nhất trí thiết lập lại quan hệ ngoại giao
Mỹ và Myanmar nhất trí thiết lập lại quan hệ ngoại giao

Truyền thông Myanmar (Mianma) ngày 6/7 đưa tin chính phủ nước này đã chấp thuận việc Chính phủ Mỹ bổ nhiệm ông Derek J. Mitchell làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này. Ông Mítsen sẽ là Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Myanmar trong 22 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN