Sáng nay, trên đường tới cơ quan, trong mờ mờ sương mai, nhìn lên khoảng không gian trước mặt bên bờ sông, bất chợt tôi thấy bừng lên một vầng đỏ rực. Hoa gạo! Nó nở từ bao giờ mà mãi tới tận bây giờ tôi mới thấy? Lưng trời hoa gạo đỏ đấy ư? Thảo nào, chiều qua khi về qua chỗ này tôi nghe thấy tiếng chim sáo đá, chim chào mào kêu ríu ra ríu rít ở trên đầu. Thì ra là hoa gạo nở. Lập tức, tôi dừng xe lại, trân trân nhìn mãi lên cái vầng lửa đang thắp sáng cả bến sông sớm mai này.
Cây gạo thường mọc (hoặc trồng) ở bờ sông, ở đền, chùa, miếu mạo. Có thể chúng mọc thành khu, thành dãy, cũng có nơi chúng đơn độc lẻ loi một mình. Tôi thích loại cây này vì dáng cây hiên ngang, vì sức sống mãnh liệt của nó. Gạo là loại cây thân gỗ lớn, cao từ 30 đến 40 mét, đường kính thân cây có khi lên tới 3 mét. Thân cây gạo thẳng và có nhiều mấu. Khi cây còn non, vỏ có nhiều vú gai. Khi thành cổ thụ, nó trơ trụi mốc thếch, thỉnh thoảng lại sần lên những cái bướu. Gốc của nó xù xì, có nhiều u cục, hang hốc. Rễ chúng cuộn lên từng khối to như những cánh tay khổng lồ. Các cụ bảo rằng những cái u cục hang hốc đó là nơi trú ngụ của những hồn ma, còn những cái mấu trên thân cây lại là những bậc thang để hồn ma trèo lên trên cao mà hòa mình vào vũ trụ. Người ta hay thắp hương ở những gốc cây gạo. Phải thế chăng mà cây hoa gạo thường được trồng ở chùa và những nơi linh thiêng? “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề?” cũng chính là vì lẽ đó.
Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi bảo, cây gạo là cây no đủ và êm ấm. Thì đấy, gạo có nghĩa là no đủ. Điều đó quá rõ rồi. Hồi đó lấy đâu ra nhiều gạo mà ăn cơ chứ. Bát cơm độn toàn khoai với sắn. Còn bông gạo trắng thì dùng để may chăn gối. Chăn gối là biểu hiện của sự ấm êm. Ngày đó lấy đâu ra len, mút như bây giờ. Đó cũng là mong ước giản dị, là niềm an ủi dịu dàng, sưởi ấm những nhọc nhằn đeo bám suốt cuộc đời của cha và bao nhiêu người dân chất phác quê tôi. Thế nên, có người gọi hoa gạo là hoa mộc miên, cái tên nghe rất thơ đấy nhưng tôi vẫn thích gọi nó là hoa gạo hơn. Gọi là hoa gạo vì nó dân dã, gần gũi, thể hiện mơ ước tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại khó thực hiện với những người dân lam lũ quê tôi khi xưa. Với lại, cuộc đời mỗi con người làm sao mà thiếu gạo được cơ chứ, kể cả mai này có đủ đầy, thừa mứa đi chăng nữa!
Đông qua, sương tan dần, cây gạo thay áo mới. Lạ là nó trổ hoa trước, hoa rụng hết rồi lộc non mới lấm tấm xanh. Tháng Ba là mùa hoa gạo nở. Mùa xuân làng tôi, xanh xanh lũy tre làng bỗng nhiên được đội chiếc vương miện đỏ rực của hoa gạo. Ban đầu là những chấm đỏ nho nhỏ, lấm tấm như những ngọn nến lập lòe, rồi lớn dần, cháy rực lên, rồi huy hoàng như một vầng mây. Trong các loài hoa tôi biết, có lẽ hoa gạo là loài hoa to nhất màu đỏ. Không nuột nà, không đài các, kiêu sa, hoa gạo mang vẻ đẹp mộc mạc mà cuốn hút. Hoa có năm cánh to, căng mọng, cánh hoa khum khum xếp vào nhau tựa lòng bàn tay, chứa bên trong đầy mật ngọt thanh mát. Bông hoa to và nặng, đài hoa rắn chắc. Nhụy hoa như những bó hương đỏ thắm cắm trên lư, trông thật tao nhã, thanh thoát. Vì hoa gạo to và nặng nên chúng không rơi nhè nhẹ, la đà bay trong gió, êm tai như những loài hoa khác, mà trái lại, chúng rơi vút như tia chớp, xoáy tròn, thẳng đứng và phát ra tiếng động. Khi nghe “bịch” một tiếng là lũ trẻ chúng tôi xúm lại tranh nhau nhặt hoa, xé từng cánh hoa, cho vào miệng nhấm nháp. Cái vị ngòn ngọt, chan chát của nó lạ lắm. Sớm mai, dưới gốc gạo, hoa rụng đỏ ối. Chúng nằm hiền ngoan bên nhau. Các cụ dặn “Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Còn nhà thơ nhìn thấy cảnh đó thì thốt lên rằng: “Bông gạo cuối mùa ngủ ngoan trên cỏ/ Mơ những gì mà sương khóc đầy hoa?”. Dễ thương quá, hoa gạo ơi!
Bến sông quê, hoa gạo rụng đỏ cả lòng sông. Bao giờ đài hoa cũng chìm dưới nước. Chỉ có năm cánh hoa nổi lên bồng bềnh như một ngôi sao đỏ chói, dập dềnh trôi. “Thế là chị ơi! Rụng bông hoa gạo!”, nhà thơ Đoàn Thị Tảo chẳng đã kêu lên da diết thế rồi ư?
Xuân Thu