Theo báo "The Diplomat" ngày 2/8, trong khi Trung Quốc ký kết thỏa thuận với Iran để xây dựng hai tổ máy điện hạt nhân trên bờ biển phía Nam nước này thì Nga tiếp tục phát triển các thị trường mới cho công nghệ hạt nhân của mình.
Nhà máy điện nhạt nhân Kalinin tại vùng Tver của Nga. |
Dự án hứa hẹn nhất của Nga là xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, nửa đầu năm 2015, Nga đã ký nhiều thỏa thuận và hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Trong số các văn kiện này có Bản ghi nhớ giữa các nhà lãnh đạo Nga và Ai Cập về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên của Ai Cập.
Tiếp theo Nga đã ký thỏa thuận xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Jordan. Đặc biệt, hợp đồng giữa Nga với Saudi Arabia hình thành cơ sở pháp lý cho hợp tác song phương trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân ở quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, dù vẫn duy trì cơ chế trừng phạt, Nga có vị thế gần như là độc tôn trong việc cung cấp các vật liệu cho chương trình hạt nhân Iran, trước tiên là việc tập đoàn Rosatom của Nga cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân của Iran tại Busher.
Giờ đây tại thị trường này có thêm Trung Quốc với dự án lò phản ứng hạt nhân của mình. Để tạo thương hiệu cho mình, Bắc Kinh sẽ nỗ lực "gây sức ép" với Nga tại Iran.
Tuy nhiên, Rosatom vẫn giữ vị trí chi phối trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Iran. Tập đoàn này đã ký thỏa thuận với Iran về việc xây dựng các lò phản ứng mới cho nhà máy điện hạt nhân Bushehr trong ngắn và trung hạn. Thỏa thuận này cũng xác lập việc Nga xây dựng một nhà máy điện hạt nhân hoàn toàn mới với 4 lò phản ứng ở Iran.
Theo "The Diplomat", việc mở rộng thị trường các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới là một ưu tiên chính trị của Moskva.