Môi trường hoang tàn sau khai thác khoáng sản

Việc phát triển khai thác khoáng sản góp phần không nhỏ cho sự phát triển nền kinh tế đất nước, nhưng tại nhiều địa phương, vấn đề bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được quan tâm và đầu tư, gây nên những tiêu cực đến môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và an toàn của người lao động.


Doanh nghiệp vô trách nhiệm


Sau hơn 20 năm khai thác, cuối năm 2010, mỏ đá Hóa An (xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chính thức đóng cửa. Hơn 20 năm, người dân các xã, phường lân cận mỏ đá phải sống chung với bụi, tiếng ồn; đường làng bị băm nát. Ông Nguyễn Văn Cảnh (một hộ dân ở gần mỏ đá) chia sẻ: Mỏ đá ngừng khai thác, nghe họ bảo là sẽ làm lại đường, rồi quy hoạch thành khu du lịch. Người dân ai cũng mừng như "mở cờ trong bụng", nhưng nay thì thấy đó chỉ là bánh vẽ.

Mỏ đá Hòa An nhìn từ trên cao.


Hoang tàn. Đó là thực trạng khi chúng tôi tiếp cận mỏ đá Hóa An. Sau khai thác, mỏ đá bỏ hoang với vực sâu hun hút, xung quanh ngổn ngang đất cát. “Hút” cạn tài nguyên, để lại "hố tử thần" sâu cả trăm mét, nhưng doanh nghiệp lại rào chắn trên miệng hố bằng dây thép gai, nhiều đoạn dây thép đã gỉ nát, không có tác dụng bảo vệ. Đến nay, đơn vị khai thác là Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa vẫn chưa có động thái gì về thực hiện trách nhiệm khắc phục môi trường.


Bà Trần Thị Tươi (xã Hóa An) bức xúc: “Họ rào chắn sơ sài nên nhiều vật nuôi của người dân rơi xuống hố và chết dưới đó; nhưng nhỡ người mà rơi xuống hố sâu hơn trăm mét đó thì sống thế nào được. Đường làng bao năm xe chở đá nghiền nát, đến giờ vẫn chưa thấy sửa chữa”.


Thực tế, những câu chuyện tương tự như trên có thể bắt gặp ở rất nhiều địa phương có khai thác khoáng sản. Theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 41 mỏ khoáng sản đã khai thác xong (trong đó thành phố Biên Hòa có 9 mỏ). Các mỏ khoáng sản ở Đồng Nai là mỏ chìm nên sau khi khai thác, nơi đó trở thành các hố sâu từ vài chục đến cả trăm mét. Đa số các công ty chưa nghiêm chỉnh thực hiện việc hoàn nguyên môi trường nên sau khi khai thác xong khoáng sản, chỉ rào bằng dây thép hoặc lưới thép phần trên miệng hố.


GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét: “Để đảm bảo an toàn môi trường, việc khai thác khoáng sản luôn đòi hỏi chi phí cao hơn cho môi trường làm cho việc khai thác không có hiệu quả kinh tế, hoặc hiệu quả thấp. Đây chính là lý do chủ yếu để các nhà đầu tư tìm mọi cách lẩn tránh các chi phí bảo vệ môi trường”.


Cần xử lý nghiêm


Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng: “Khai khoáng thường gây tác động môi trường ở phạm vi rộng, có thể kéo dài sau khi kết thúc khai thác. Việc xâm hại môi trường trong khai thác khoáng sản đã và đang là vấn đề “nóng” khiến người dân trong vùng khoáng sản bức xúc. Mặt khác, các lỗ hổng chính sách và sự yếu kém trong công tác quản lý và thanh tra trên lĩnh vực này, cũng là nguyên nhân chính của sự xâm hại môi trường”.


Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2008 đến nay, Bộ và các tỉnh, thành phố đã duyệt 1.420 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ trên 1.360 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa quan tâm thực hiện. Bởi lẽ, vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về cải tạo, phục hồi môi trường cho từng loại hình khai thác khoáng sản. Đồng thời, cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy mô, loại hình tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường ở các địa phương. Hiện nay, hầu hết các dự án cải tạo, phục hồi môi trường do UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt; tổng số tiền ký quỹ thấp, thiếu nhiều khoản chi phí, không đủ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi dự án kết thúc. Bản cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường không được thẩm định, phê duyệt cùng một thời điểm. Do đó, việc triển khai thực hiện theo các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn.


Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các giải pháp về xây dựng, ban hành mới, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đơn vị khai thác, chính quyền địa phương và nhân dân, nhất là người dân nơi có mỏ khoáng sản. Ngoài ra, Bộ sẽ rà soát các quy hoạch đã phê duyệt; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khai khoáng, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, bổ sung hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép cho một số hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Thu Trang - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN