Cơ sở vật chất, hạ tầng đã tương đối đầy đủ và khang trang nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, người dân tái định cư Mường Mô không vì thế mà ỷ lại. Đồng bào luôn nỗ lực tìm ra những hướng đi mới để phát triển kinh tế, qua đó góp phần cải thiện cuộc sống.
Nghề mớiTừ sớm tinh mơ, ông Mào Văn Kinh, ở bản Cang, xã Mường Mô lại chuẩn bị những vật dụng cần thiết để xuống vó bè đánh cá được đặt ở lòng hồ thủy điện. Thời gian này, nước dâng cao tạo ra một vùng lòng hồ rộng, mang đến một nguồn thủy sản phong phú và đa dạng. Chính vì thế, mỗi tối ông Kinh lại ra vó bè thắp đèn để thu hút tôm cá vào lưới, đến rạng sáng hôm sau cất vó. Trung bình mỗi ngày ông thu được hàng chục cân tôm cá các loại. Những "chiến lợi phẩm" ấy phần lớn để bán cho các thương lái đã đặt hàng trước, trung bình mỗi ngày thu nhập được vài trăm nghìn đồng; số còn lại dành để cải thiện bữa cơm hàng ngày của gia đình.
Khu tái định cư Mường Mô. |
Ông Mào Văn Kinh chia sẻ: "Khi di chuyển lên khu tái định cư để sinh sống, gia đình đã quyết định đầu tư vó bè đánh bắt tôm, cá để cải thiện đời sống khó khăn ban đầu. Một vó bè như vậy có giá hơn chục triệu đồng. Nước lòng hồ thủy điện dâng, tôm cá nhiều nên mỗi ngày gia đình cũng đem đi bán để có thêm một khoản tiền nhỏ đủ trang trải cho cuộc sống".
Ở Mường Mô, khi mặt hồ thủy điện được hình thành, có rất nhiều hộ đã tự bỏ tiền ra đầu tư mua lưới, chài, vó bè và các công cụ đánh bắt khác để đánh bắt cá. Một số hộ coi đánh bắt thủy sản lòng hồ là nghề chính để phát triển kinh tế, do đó, các loại hình dịch vụ buôn bán chài lưới cũng mọc lên và phát triển. Ông Hỏ Văn Ninh, Trưởng bản Mường Mô cho biết: Với các hộ dân tham gia đánh bắt tôm cá, bản và xã cũng tuyên truyền để việc khai thác nguồn lợi thủy sản an toàn, ổn định và bền vững nhất, trong đó nghiêm cấm các hành vi khai thác tận diệt nguồn tôm cá bằng các thiết bị kích điện hay nổ mìn...
Đa dạng hóa cây trồngNgoài nghề đánh bắt thủy sản mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, thì việc tỉnh Lai Châu định hướng phát triển trồng cây ăn quả cũng sẽ mở thêm một hướng thoát nghèo mới cho đồng bào tái định cư Mường Mô. Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế về khí hậu và đất đai tại Mường Mô, cuối tháng 12/2015, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt dự án trồng nhãn tập trung với quy mô 100 ha; trong đó giống nhãn chín sớm chiếm 30% và giống nhãn chín muộn chiếm 70% diện tích. Dự án được thực hiện từ nay đến năm 2018 tại các bản Nậm Hài, Mường Mô, Bản Cang, Km 41 và Pa Mô của xã; tổng nguồn kinh phí thực hiện là gần 3,2 tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ.
Trẻ em được học tập ở trường lớp đạt tiêu chuẩn. |
Là một trong 200 hộ đăng ký trồng nhãn từ sự hỗ trợ của dự án, ông Lò Văn Thêm ở bản Nậm Hài rất phấn khởi, bởi chỉ một thời gian ngắn nữa thôi ông sẽ là chủ vườn nhãn. Vui hơn cả là khi mà ông Thêm chỉ cần bỏ công sức phát dọn và chăm sóc, còn chi phí vật tư phân bón, công tác khuyến nông 3 năm đầu đều được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn. Ông Lò Văn Thêm chia sẻ: "Gia đình tôi có 4 khẩu, kinh tế gia đình chủ yếu là đánh bắt cá, chăn nuôi nhỏ và làm lúa nương. Khi biết Nhà nước có chủ trương trồng nhãn, gia đình đã đăng ký và cùng các hộ khác phát dọn nương để chuẩn bị cho việc đào hố, làm đường băng trồng nhãn. Trước kia tại nơi ở cũ, nhiều gia đình cũng trồng cây ăn quả, nhưng nhỏ lẻ và manh mún. Giờ đây Nhà nước có dự án trồng cây ăn quả như thế, bà con ai cũng phấn khởi, hy vọng sau này cây trái sẽ cho thu nhập đáng kể".
Giao thông nội bản được bê tông hóa. |
Xã tái định cư Mường Mô có 9 bản với 7 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 43,7% theo tiêu chí mới. Bà Lù Thị Sen, Bí thư Đảng ủy xã Mường Mô nhận định, đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ thủy điện và trồng cây ăn quả là hai trong nhiều mô hình phát triển kinh tế được xã triển khai. Những năm qua, người dân Mường Mô đã rất tích cực trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng trồng nhiều cây trồng khác nhau, trong đó cây ăn quả là cây trồng có tiềm năng cho năng suất và sản lượng khá cao. Phát triển cây ăn quả sẽ mang lại nhiều lợi ích, quan trọng hơn là mang lại thu nhập cho các hộ nông dân, làm giảm khoảng cách giàu nghèo.
Đa dạng hóa các loại hình phát triển nông nghiệp trong đó có đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ thủy điện và trồng cây ăn quả tập trung đang là cách mà xã Mường Mô thực hiện; qua đó vừa tận dụng và phát huy được lợi thế của địa phương, vừa góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng tái định cư thủy điện.