Về buôn K’bu vào giữa tháng 10, những cánh đồng lúa nước dọc hai bên đường bê tông phẳng lì dẫn vào buôn vừa được ngả rạ, còn thơm mùi rơm mới. Mùa màng thu hoạch xong cũng là lúc phụ nữ Ê Đê ở trong buôn dành nhiều thời gian hơn để ngồi bên khung cửi.
Cụ Aduôn H’Noai là người có thâm niên nhất trong nghề dệt thổ cẩm ở buôn K’bu. Năm nay đã 70 mùa rẫy, thế nhưng đôi mắt cụ vẫn sáng, đôi tay khéo léo tạo nên những tấm thổ cẩm đẹp mắt, hoa văn tinh xảo. Ngồi bên khung cửi đã mòn dần vì thời gian, cụ Aduôn H’Noai chia sẻ: “Tôi không còn nhớ mình đã ngồi bên khung cửi được bao nhiêu năm rồi, chỉ biết từ nhỏ được mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu, dệt túi vải, khăn, địu... rồi khó dần lên là dệt chăn, quần áo truyền thống. Cứ như vậy, chúng tôi biết và thành thạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống và giữ cho đến bây giờ”.
Theo cụ Aduôn H’Noai, trước đây nguyên liệu để dệt thổ cẩm của người Ê Đê được làm từ sợi bông và màu sợi nhuộm từ vỏ cây. Hiện nay, sợi chỉ để dệt thổ cẩm được phụ nữ Ê Đê mua ở các cửa hàng, không phải trải qua công đoạn nhuộm vỏ cây nên rút ngắn thời gian. Người Ê Đê chọn tông màu đen và đỏ sẫm làm màu nền chủ đạo trên thổ cẩm của mình; chủ đề hoa văn cũng được khéo léo lựa chọn là hình ảnh cây, lá, phương tiện, con vật gần gũi với đời sống hàng ngày với mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng và màu đất đỏ bazan nơi người dân sinh sống.
Ở buôn K’bu, ngoài cụ Aduôn H’Noai, còn nhiều phụ nữ vẫn đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống như các bà H’bur Niê, H’Dương Niê, H’Nir Niê, H’Gih Êban. Theo bà H’bur Niê, để dệt một tấm thổ cẩm đẹp, người nghệ nhân cần có sự tỉ mỉ, cần cù, tư thế ngồi song song với khung dệt, chân phải đạp mạnh, tay chắc để cho tấm vải bền và cứng. Ngoài ra, tùy năng khiếu, sở thích của từng người, mỗi tấm thổ cẩm có nét hoa văn riêng. Hiện nay, phụ nữ Ê Đê trong buôn không chỉ dệt thổ cẩm cho các thành viên trong gia đình mà còn dệt thổ cẩm để bán cho người dân khi họ cần trong các nghi lễ truyền thống, cưới, hỏi… Thông thường để dệt nên một tấm thổ cẩm mất khoảng 15 ngày, với giá bán từ 1,5 - 2 triệu đồng/bộ đồ truyền thống nam. Bà H’bur Niê cho hay, giá trị kinh tế của một bộ thổ cẩm hiện không cao nhưng vì lòng yêu nghề truyền thống, bà vẫn quyết tâm bám với khung cửi, truyền dạy cho con, em ở trong buôn gìn giữ nghề.
Em H’ết Niê, đang là sinh viên năm cuối Học viện Hành chính quốc gia (Phân viện Tây Nguyên) cho biết, em đam mê nghề dệt thổ cẩm của đồng bào mình từ nhỏ. Hiện nay ngoài việc học, em thường xuyên tham gia lớp dạy dệt thổ cẩm tại Trường Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Bảo tàng dân tộc học tỉnh. Về buôn, em được các nghệ nhân lớn tuổi chỉ thêm những nét hoa văn độc đáo đặc trưng riêng của đồng bào mình. “Em rất tự hào vì tự tay em đã dệt được bộ đồ thổ cầm truyền thống của dân tộc để mặc mỗi khi ở buôn, xã hoặc trường có sự kiện lớn”, em H’ết Niê chia sẻ.
Buôn K’bu hiện có có 375 hộ dân, 1.700 nhân khẩu, chủ yếu là người Ê Đê. Bà Ami Mer, Buôn trưởng buôn K’bu cho biết, hiện nay trong buôn có 20 phụ nữ thường xuyên dệt thổ cẩm truyền thống. Để giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào không bị mai một, ngoài việc khuyến khích phụ nữ trong buôn duy trì nghề dệt, truyền nghề cho con em mình, hàng năm buôn K’bu còn tổ chức dệt thổ cẩm ở nhà văn hóa cộng đồng mỗi tháng 1 lần. Đồng thời, cử những người dệt thổ cẩm đẹp nhất trong buôn đi tham dự các cuộc thi về văn hóa, thổ cẩm do thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức.
Cuộc sống hiện đại đang vắng dần đi hình ảnh người phụ nữ Ê Đê dệt thổ cẩm ở buôn làng. Tuy nhiên, vì đam mê với nghề truyền thống của ông cha mình, phụ nữ Ê Đê buôn K’bu vẫn quyết tâm giữ lửa, để nghề dệt thổ cẩm vẫn mãi là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.