Miền Trung ứng phó với siêu bão

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sớm nhất thì khoảng 15 giờ, muộn là khoảng 23 giờ đêm nay (30/9), bão số 10 sẽ đổ bộ vào miền Trung. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực này trong 6 năm qua.

Ngư dân vùng đầm phá, ven biển thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế chằng chống tàu thuyền vào chiều 29/9. Ảnh: Quốc Việt- TTXVN

Ông Tăng cho biết thêm, càng tiến vào đất liền thì cơn bão này càng mạnh thêm. Theo dự báo, vào lúc 4 giờ sáng nay (30/9), vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Thừa Thiên - Huế khoảng 170 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (từ 134 - 166 km/giờ), giật cấp 16 - 17, cấp mạnh nhất.


Trọng tâm bão đổ bộ nhiều khả năng là Quảng Bình, Quảng Trị nhưng Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế cũng phải đề phòng. Vùng chịu ảnh hưởng của bão rất rộng lớn, cụ thể là từ Thanh Hóa đến Quảng Nam. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió từ cấp 6 - 7 sau tăng dần lên cấp 16 - 17, biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 12 - 13. Sáng nay, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét.


Hôm qua (29/9), Thủ tướng Chỉnh phủ cũng đã có công điện 1554/CĐ-TTG chỉ đạo các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định, bộ, ngành liên quan đối phó với bão số 10. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố nói trên phối hợp với các bộ, ngành huy động lực lượng để chủ động đối phó với bão. Tùy theo diễn biến của bão, các địa phương chủ động cấm biển và bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ. Các địa phương phải có phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, những nơi có khả năng ngập sâu, có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương cũng phải cử người canh gác tại các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho đi qua những khu vực nguy hiểm; nghiêm cấm vớt củi trong lũ, chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn hồ đập; đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác phòng chống bão; khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học; chỉ đạo các trường tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn của bão cho học sinh nghỉ học…


Theo Cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiến cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 29/9, Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 phương tiện với 254.660 người biết diễn biễn của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Cụ thể: Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có 8.959 tàu với 33.086 người; khu vực khác và neo đậu tại các bến là 40.918 phương tiện với 221.574 người.

Sau cơn bão số 8, nhiều hồ đập ở miền Trung và Tây Nguyên đã được cung cấp một lượng nước khá lớn. Với hồ thủy điện, hiện hồ chứa Sông Tranh đang mở hoàn toàn các cửa xả tràn, mức nước hiện tại 141,58 m, cao trình ngưỡng tràn 161 m. Ngoài ra, có 12 hồ đang xả điều tiết, gồm: A Lưới, A Vương, Sông Ba Hạ, Hồ A Thủy điện Vĩnh Sơn, Buôn Tua Sha, Buôn Kuốp, Srêpốk 3, An Khê, Playkrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 4.


Với các hồ thủy lợi tại các tỉnh Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, mực nước các hồ đang phổ biến ở mức từ 70 - 100% so với thiết kế. Mực nước một số hồ ở Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đang ở mức 90% như Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế), Khe Tân (Quảng Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa). Các hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên hiện đang tích ở mức tương đối cao, phổ biến đang ở mức trên 80% dung tích thiết kế, một số hồ đang xả lũ điều tiết như A Yun Hạ (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắk Lắk); các hồ đang tràn tự do là Đạ Hàm, Đạ Tẻ, Tuyền Lâm (Lâm Đồng).
Để đảm bảo an toàn cho các công trình này khi bão đổ bộ vào, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra các hồ chứa và vận hành xả nước theo quy định; chuẩn bị phương án chống lũ cho vùng có khả năng bị lũ. Đặc biệt, các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông triển khai các biện pháp ứng phó với lũ tại hạ lưu sông Srêpôk. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, có phương án vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, hệ thống truyền tải điện.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN