Miền núi phía Bắc lại lao đao vì rét

Rét đậm, rét hại kéo dài trong những ngày cuối tuần vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Bắc.


Người già, trẻ nhỏ khốn đốn


Số người nhập viện gia tăng, trong đó đa phần là người già và trẻ nhỏ là thực tế tại các bệnh viện của các tỉnh miền núi phía Bắc trong những ngày vừa qua.

Một người dân tại huyện Sa Pa (Lào Cai) đang thu dọn tuyết trên vườn rau màu. Ảnh: Lục văn toán - TTXVN


Tại tỉnh Hà Giang, từ ngày 11/2 đến nay, thời tiết đã nhanh chóng chuyển từ nắng ấm sang rét đậm, rét hại, thậm chí một số huyện vùng cao trên Cao nguyên đá Đồng Văn còn xuất hiện băng giá, đã khiến số người già và trẻ em phải nhập viện điều trị các bệnh viêm phổi gia tăng. Tính đến nay, đã có trên 100 lượt bệnh nhân nhi phải nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp, đường ruột; cùng một số lượng lớn bệnh nhân có tuổi bị các bệnh như suy tim, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, hen suyễn cũng tăng cao. Bác sỹ Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết: Khoa Nhi của bệnh viện chỉ có 38 giường bệnh, những ngày qua do bệnh nhân nhập viện đông, nên đã quá tải. Bệnh viện đã phải ghép 2 bệnh nhi một giường và xếp tăng giường bệnh ở hành lang.


Còn tại Cao Bằng, những ngày qua, tại khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng, đã có gần 200 lượt bệnh nhân phải nhập viện điều trị các bệnh về suy tim, tăng huyết áp, hen suyễn, tai biến mạch máu não. Còn tại khoa Nhi, từ thời điểm nghỉ Tết đến nay, đã có trên 300 bệnh nhân nhi vào điều trị các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan. Nhiều nhất là viêm phổi, tiêu chảy chiếm gần 50%. Các bệnh viện tuyến huyện cũng rơi vào tình trạng quá tải.


Tại Lào Cai, tuy chưa có thống kê chính thức về thiệt hại do lạnh giá và sương muối gây ra, nhưng theo đại diện ngành y tế và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương, thời gian qua, số người phải nhập viện gia tăng đột biến. Riêng huyện Sa Pa đã tăng thêm 30 ca, các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai và Văn Bàn, số ca nhập viện tăng 15 - 20%, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, do mắc bệnh về đường hô hấp như viêm phổi cấp, hen suyễn.


Vật nuôi, hoa màu thiệt hại


Tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đến nay đã có trên 20 ha hoa hồng, 15 ha rau màu non bị sương muối làm táp lá hư hỏng nặng, giảm năng suất và có khả năng mất trắng; trên 100 con trâu bò tại các xã vùng cao bị ngã quỵ do bà con nông dân còn chủ quan lơ là trong việc chăm sóc. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, trong 2 ngày qua tại huyện Sa Pa đã có 68 con trâu bò bị chết rét. Hiện tại, một số bà con nông dân đã tự sơ tán đàn gia súc xuống vùng thấp của huyện Bát Xát và huyện Tam Đường, Tân Uyên của tỉnh bạn Lai Châu, cách nhà 30 - 50 km, để tránh rét. Những gia đình không có điều kiện di chuyển trâu bò xuống núi cũng đã không thả rông vào rừng như trước và cắt cỏ tươi cho trâu bò ăn thêm để tăng sức đề kháng.


Còn theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, đợt rét đậm này, trên địa bàn tỉnh đã có trên 200 con trâu, nghé, bò, bê, ngựa, dê bị chết do rét đậm, rét hại, chủ yếu là nghé và trâu già. Các huyện biên giới Sìn Hồ và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu có số gia súc chết nhiều nhất là trên 100 con.


Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hiện đã có gần 200 ha cây thảo quả ở huyện biên giới Phong Thổ bị thiệt hại hoàn toàn do thời tiết rét giá; hơn 70 ha lúa gieo thẳng phải cấy dặm lại và bị thiệt hại trên 70%.


Trước những diễn biến bất thường của thời tiết và đợt rét đậm, rét hại trong những ngày gần đây, các tỉnh vùng cao đã triển khai các biện pháp phòng tránh rét cho nhân dân, đồng thời yêu cầu các bệnh viện, đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân đến khám, điều trị; chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường cho học sinh nghỉ học tránh rét theo đúng quy định để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh khuyến cáo nông dân cần chủ động làm chuồng trại, đồng thời che chắn, giữ ấm, dự trữ thức ăn cho vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền để người dân không thả rông gia súc khi trời quá rét, tăng thêm khẩu phần ăn cho trâu bò, che kín gió chuồng trại chăn nuôi…

 

PV (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN