Lý do Mỹ không nên tấn công Syria

Theo mạng tin "Project syndicate" ngày 3/9, trong bối cảnh quốc hội đang xem xét có nên phê chuẩn hành động can thiệp quân sự vào Syria hay không, các nghị sĩ Mỹ nên nhớ đến một sự thật căn bản là các chính phủ khác tại Trung Đông và châu Âu cũng phải chịu trách nhiệm trong việc biến Syria thành một "cánh đồng chết". Rõ ràng, các chính phủ này - đứng đầu là Mỹ - đang tìm cách lật đổ Tổng thống Assad bằng bạo lực và với sự can dự đó, Syria đang trở thành một nơi chết chóc với hơn 100.000 người thiệt mạng.


Hai giai đoạn bất ổn


Cuộc nội chiến tại Syria diễn ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2012, tình hình Syria căng thẳng chủ yếu do vấn đề nội bộ. Các cuộc biểu tình phản đối, diễn ra tại Syria sau khi "Mùa Xuân Arập" bắt đầu ở Tunisia và Ai Cập, đã trở thành một cuộc nổi dậy vũ trang khi một số bộ phận của quân đội Syria li khai và thành lập Quân đội Syria Tự do (FSA). Mặc dù bạo lực leo thang, song con số thương vong tại Syria lúc đó ở mức hàng nghìn người.

Người dân Mỹ biểu tình trước Nhà Trắng ở thủ đô Washington ngày 3/9 phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Ảnh: AFP-TTXVN


Giai đoạn hai bắt đầu kể từ khi Mỹ giúp thành lập nhóm "Những người bạn của Syria". Tại hội nghị các ngoại trưởng của nhóm này tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 1/4/2012, các nước khác đã cam kết hỗ trợ tài chính và hậu cần cho FSA. Trong đó, quan trọng nhất là Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, bà Hillary Clinton, đã tuyên bố: "Chúng tôi nghĩ ông Assad phải ra đi". Tuyên bố bỏ ngỏ này đã làm leo thang hành động quân sự, cũng như con số thương vong tại Syria.


Từ đó đến nay, Mỹ thường tuyên bố hành động vì lợi ích của người dân Syria. Điều này rất đáng ngờ vì Mỹ đang xem xét vấn đề Syria chủ yếu qua lăng kính thù hận Iran và tìm cách lật đổ ông Assad để "tước bỏ" một đồng minh khu vực quan trọng của Iran. Do đó, nỗ lực do Mỹ dẫn đầu tại Syria nên được hiểu như một cuộc chiến ủy nhiệm với Iran, một chiến lược "bất cần đạo lý" đang làm bạo lực gia tăng.


Động cơ không rõ ràng


Việc Mỹ hỗ trợ cuộc nổi dậy vũ trang và khăng khăng đòi ông Assad phải ra đi ngay lập tức là khó hiểu. Ngay cả khi Mỹ tìm cách buộc ông Assad phải từ chức, thì hành vi này chỉ thúc đẩy sự kháng cự của ông Assad, cũng như hai đồng minh của Syria tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga và Trung Quốc. Ngoài việc tìm cách bảo vệ những lợi ích của họ tại Trung Đông, cả hai nước này đều bác bỏ ý tưởng thay đổi chế độ tại Syria.


"Qua mặt" LHQ, Mỹ công khai ý định can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria, với lý do bên ngoài là để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai. Động cơ của Mỹ là không rõ ràng. Tại sao Mỹ tiếp tục ủng hộ một cuộc nổi dậy của phe đối lập khi cuộc nội chiến đang leo thang ở mức nguy hiểm và vũ khí hóa học đã được sử dụng?


Nói một cách đơn giản, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang kế thừa triết lý tân bảo thủ về thay đổi chế độ tại Trung Đông, đó là có thể lựa chọn những người nắm quyền trong khu vực. Ông Assad phải ra đi do liên minh với Iran và chính điều này đã khiến trở thành một nguy cơ khu vực.


Về lâu dài, việc chính sách đối ngoại của Mỹ tách rời luật pháp quốc tế chỉ có thể dẫn đến chiến tranh. Việc Mỹ trực tiếp tấn công Syria mà không có sự ủng hộ của LHQ dường như khiến khu vực này bất ổn hơn. Thay vào đó, Mỹ nên cung cấp bằng chứng về các vụ tấn công hóa học cho LHQ; kêu gọi HĐBA LHQ lên án các thủ phạm; và chuyển những vi phạm đó cho Tòa án Hình sự quốc tế. Ngoài ra, Mỹ cũng nên tìm cách hợp tác với Nga và Trung Quốc để thực thi Công ước vũ khí hóa học. Nói rộng hơn, Mỹ nên chấm dứt việc sử dụng các nước như Syria để thực thi cuộc chiến ủy nhiệm chống Iran. Mỹ nên từ bỏ ảo tưởng có thể quyết định ai sẽ cầm quyền tại Trung Đông.


D. Hoa (P/v TTXVN tại Canada)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN