Lợi thế cạnh tranh của công nghiệp thực phẩm

Chỉ cách đây vài năm, ở phân khúc thị trường thực phẩm cao cấp, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý chuộng hoàng ngoại: uống bia Tiệp, uống sữa Úc, ăn bánh, kẹo Thái Lan… Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, nhiều ngành hàng thực phẩm: bánh kẹo, nước giải khát, sữa, dầu ăn… sản xuất trong nước đã cạnh tranh được với hàng ngoại và có khả năng xuất khẩu.

 

Theo Bộ Công Thương, ngành chế biến thực phẩm chiếm một tỷ lệ đáng kể sản lượng của ngành công nghiệp nói chung và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nói riêng. Lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm luôn chiếm khoảng 15% GDP cho thấy đây là một ngành công nghiệp tiềm năng.

Sữa Vinamilk đang có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: CTV


Báo cáo của Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), sản lượng sản xuất bia năm 2012 là 2.832 triệu lít, tăng 7% so với cùng kỳ.


Theo ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, sau 10 năm từ 2000-2010, sản lượng các sản phẩm sữa trong nước đều tăng rất mạnh, trong đó sản phẩm như pho mát tăng 60 lần; sữa thanh, tiệt trùng tăng 6 lần, bơ và sữa chua tăng khoảng 3 lần, sữa đặc và kem tăng 1,7 lần.


Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay, đã có hàng trăm nhà máy chế biến thực phẩm quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã đi vào hoạt động trên cả nước. Đồng thời đây cũng là khu vực thu hút rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.


Tuy nhiên, cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, mặc dù có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn chưa xây dựng được nhiều thương hiệu lớn trên tầm quốc tế.


Ông Bùi Trường Thắng cho rằng, do phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Đơn cử như, ngành sữa phải nhập khẩu tới 75% nguyên liệu từ nước ngoài; còn dầu ăn phải nhập khẩu 90%...


Một số doanh nghiệp nhỏ do địa phương quản lý, thiếu vốn làm ăn chộp giật đã đầu tư thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn như công bố trên bao bì đã làm ảnh hưởng đến sản phẩm có thương hiệu uy tín. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chưa ý thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của thương hiệu trong hoạt động kinh doanh như nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường để thu hút khách hàng.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, những yếu kém của ngành chế biến thực phẩm trong nước hiện nay như, khả năng liên kết từ khâu sản xuất, thu gom đến phát triển vùng nguyên liệu và chế biến còn lỏng lẻo. Một số công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu trong khi việc kiểm soát an toàn thực phẩm còn bất cập... đã ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.


Do vậy, để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, theo Thứ trưởng, Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp; trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, môi trường, luật pháp kinh doanh quốc tế, ứng dụng khoa học đổi mới công nghệ...


Hiện Bộ Công Thương đã xếp ngành công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, để hình thành ngành kinh tế mạnh, hội nhập vững chắc với khu vực và thế giới.


T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN