Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội còn khoảng 1.200 nhà chung cư cũ (hay còn gọi là tập thể cũ), tập trung tại các quận nội thành, với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Phần lớn những chung cư này được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, bằng nguồn vốn ngân sách và phân phối cho cán bộ công nhân viên. Cùng với thời gian và do vấn đề quản lý có nhiều bất cập, nên phần lớn các khu chung cư cũ đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Đâu đâu cũng xuống cấp
Một trong những "đặc sản" của chung cư cũ chính là những "ô chuồng cọp" cơi nới lổn nhổn, rất phản cảm ở bên ngoài mặt tiền của chung cư. Lý do cũng dễ hiểu, nhà chung cư diện tích "chỉ có vậy", trong khi dân số cứ tăng lên theo từng tháng, từng năm; để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, tất cả các hộ đều chọn giải pháp cơi nới.
Các hộ tại khu chung cư cũ Giảng Võ cơi nới. |
Chị Hoàng Thủy, nhà ở tầng 4, khu E1, tập thể cao su Sao Vàng (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Trên giấy tờ nhà tôi chỉ hơn 20 m2, đủ cho một phòng khách và bếp. Chúng tôi phải cơi nới thêm gần 15 m2 nữa để làm phòng ngủ cho vợ chồng. Với 2 thế hệ thì các hộ đều phải cơi nới vì đó là nhu cầu của cuộc sống. Mọi người đều có nhu cầu mở rộng nên cứ nhà trước nhìn nhà sau làm, chỉ cần xin phép tổ trưởng dân phố và cam kết làm không ảnh hưởng nhà khác".
Năm 2005, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên đến nay Hà Nội mới giải quyết được 1% số nhà chung cư cũ, triển khai 2/3 khu thí điểm theo kế hoạch đề ra. Trong đó, tập trung giải quyết các nhà chung cư nguy hiểm cấp D phải di dời để đảm bảo an toàn cho người sử dụng (B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I 1, 2, 3 Thành Công; C7, D6, D2 Giảng Võ; 148 – 150 Tây Sơn). Trong 3 khu chung cư cũ thí điểm, hiện mới xây dựng được 4/14 nhà tại khu B Kim Liên và khởi công nhà A1, A2 khu tập thể Nguyễn Công Trứ, còn khu Văn Chương vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch. |
Tuy nhiên, trên thực tế, việc cải tạo, cơi nới của các gia đình trong chung cư lại cũng chính là "nỗi khổ" của các gia đình khác, và thậm chí là một trong những tác nhân lớn dẫn tới việc xuống cấp của chung cư. Bà Mai Hương, phòng số 302 (tầng 3), dãy H1, khu tập thể Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (phố Kim Mã Thượng, Ba Đình), cho biết: "Hơn một năm nay, căn hộ trên tầng 4 cải tạo, xây thêm chuồng cọp và di dời hệ thống nhà bếp, khu vệ sinh sang vị trí khác. Do không đảm bảo hệ thống chống thấm, nên nước sinh hoạt từ tầng trên đã ngấm xuống nhà tôi, ban đầu nhỏ giọt, nay thì nước chảy lênh láng. Tôi đã báo với tổ dân phố nhờ can thiệp. Tổ dân phố đã đề nghị nhà tầng trên khắc phục sự cố, tuy nhiên đến nay họ vẫn không thực hiện. Giờ nhà tôi không thể ở được, phải đóng cửa thuê chỗ khác ở".
Tình trạng của gia đình bà Mai Hương cũng là "nỗi niềm" của nhiều hộ sống ở chung cư cũ khi việc cơi nới, cải tạo đã khiến cho kết cấu nhà bị thay đổi, hệ thống chống thấm không đảm bảo, dẫn tới rò rỉ nước sinh hoạt, nước thải... kéo theo bao hệ lụy khác như tường ẩm, mốc, tróc vỡ, rồi mối mọt.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của các khu chung cư cũ cũng là điều khiến nhiều người dân "bức xúc" vì không đảm bảo cuộc sống. Có những khu chung cư dù đang là ban ngày nhưng để lên được cầu thang vẫn phải soi đèn pin như khu chung cư của tập thể Văn phòng phẩm Hồng Hà (phố Lò Đúc, Hà Nội). Rồi cầu thang, hành lang của chung cư bao nhiêu năm tồn tại nhưng vẫn chưa một lần được tu sửa, xuống cấp trầm trọng. "Chưa kể tới những chung cư hiện nay cả tầng vẫn đang phải dùng chung một nhà vệ sinh công cộng, thật sự khó có thể chấp nhận được", một người dân chung cư cho biết.
Ngóng chờ cải tạo
Trên thực tế, hầu hết những người dân ở chung cư cũ đều chỉ có mức sống trung bình, nên việc có thể "đổi đời" với họ chỉ còn một cách: Trông chờ vào Nhà nước cải tạo lại những khu chung cư cũ này. Anh Mạnh Dũng, nhà C, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), cho biết: "Khu nhà A của khu tập thể đang được thi công xây mới và chúng tôi được thông báo tháng 6 này sẽ triển khai tới khu nhà của chúng tôi. Chủ đầu tư đã vào làm việc với chúng tôi về phương án di dời. Về cơ bản chúng tôi đồng ý chủ trương, nhưng những người dân ở đây đều mong muốn sau khi cải tạo chúng tôi được trả lại đúng vị trí nhà như trước đây. Như các hộ ở tầng 1 đều muốn sau này nhận lại ở tầng 1 để được kinh doanh và khi di dời cũng tạo khu chợ tạm để chúng tôi được kinh doanh".
Về những yêu cầu này của người dân, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, đây cũng là một trong những nguyên nhân vướng mắc trong quá trình cải tạo chung cư cũ. Hiện nay, đa phần các nhà đầu tư đang trong quá trình thỏa thuận quy hoạch, hoàn tất các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng và các thủ tục về đất đai liên quan. Tuy nhiên trong giai đoạn này đã phát sinh nhiều ý kiến của người dân đòi hỏi về quyền lợi (diện tích nhà tái định cư, các khoản kinh phí hỗ trợ…). Bên cạnh đó là hàng loạt những khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ như việc giảm mật độ dân số khu nội đô theo quy hoạch, kiểm soát chiều cao khu nội thành…
Ngoài ra là vấn đề quỹ nhà tạm cư. Trên thực tế, các chủ đầu tư phải có trách nhiệm lo quỹ nhà khi cải tạo chung cư cũ, nhưng hầu hết họ đều không đảm bảo yêu cầu trong việc chuẩn bị quỹ nhà tạm cư và đều đề nghị thành phố hỗ trợ. Do đó, nếu chấp nhận cho các chủ đầu tư thu quỹ nhà tái định cư để làm quỹ nhà tạm cư thì thành phố sẽ phải cân đối, thu hồi quỹ nhà đã thỏa thuận bố trí cho dự án giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm khác.
Ông Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm: Chưa triển khai được dự án nào Quận Hoàn Kiếm hiện chưa thể thực hiện được dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ nào, bởi theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực nội đô phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người xuống 800.000 người. Bên cạnh đó, khu vực này không được xây dựng cao tầng, dẫn đến bài toán kinh tế trong việc cân đối tài chính với chủ đầu tư để vừa cải thiện diện tích cho người dân trong khu vực dự án, vừa hạn chế tăng dân cư, là điều khó khả thi. Còn bản thân người dân thì cũng không đủ năng lực tài chính để cùng tham gia cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ.
Ông Bùi Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: Phải cải tạo để cải thiện đời sống người dân Chúng ta phải cải tạo khu chung cư cũ để cải thiện đời sống người dân, nhất là những chung cư mà mỗi căn hộ chỉ có diện tích 18-25 m2, trong khi có nhiều người cư trú. Hiện chúng tôi đã báo cáo UBND thành phố và chờ quy hoạch phân khu, cơ chế đặc thù với những chung cư này. Tuy nhiên, đang có mâu thuẫn giữa lợi ích của nhà đầu tư với việc cải thiện đời sống của cư dân tại các chung cư cũ, do nhà đầu tư muốn tăng diện tích và chiều cao, vì vậy hầu hết các chủ đầu tư đều không mặn mà với việc cải tạo chung cư cũ với điều kiện như hiện nay.
Bà Nguyễn Như Giang, khu A5 - tập thể Giảng Võ: Diện tích mới phải gấp đôi mới đảm bảo được sinh hoạt Đã có nhiều lần chủ đầu tư và chính quyền sở tại vào đàm phán để cải tạo khu chung cư cũ, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể là khi nào sẽ xây dựng. Chúng tôi chỉ thấy thông báo chính quyền có kế hoạch sẽ dỡ bỏ chung cư cũ để xây mới nhưng băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là diện tích căn nhà mới của chúng tôi sẽ ra sao? Diện tích căn hộ cũ chỉ có 34 m2 và hầu hết chúng tôi kiến nghị diện tích nhận lại sau xây mới ít nhất gấp đôi để một gia đình có thể sinh hoạt. |
Xuân Cường - Hương Giang