Giới chức Mỹ đang đau đầu giải quyết vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất nước này thời hiện đại.
Vụ việc vỡ lở sau khi một nhân viên làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Edward Snowden, tiết lộ hàng loạt thông tin động trời về việc chính cơ quan này đã bí mật theo dõi, giám sát hoạt động trên mạng của không chỉ người dân Mỹ mà cả nước khác, trong khi chính phủ Mỹ lúc nào cũng tuyên bố lên án hành động “vi phạm” quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận và ra sức bảo vệ cho tự do thông tin trên Internet.
Theo tố cáo của người mà chính phủ Mỹ đã coi là “kẻ phản đồ”, NSA đã kết nối trực tiếp vào máy chủ của 9 tập đoàn Internet lớn nhất của Mỹ, tự do sục sạo, lục lọi đủ mọi dữ liệu thông tin, từ video, hình ảnh đến thư điện tử của người dùng. Cầm trong tay tờ lệnh mật của tòa, NSA còn buộc công ty điện thoại lớn nhất Mỹ là Verizon phải nộp báo cáo dữ liệu tất cả các cuộc gọi điện thoại giữa người dân Mỹ với nhau và với người nước ngoài. Một đất nước luôn tự cho mình là dân chủ nhất, tự do nhất nay lại lén lút, giấu giếm, do thám, theo dõi người dân bằng cái gọi là chương trình tuyệt mật, tất cả đều với lý do “chống khủng bố”. Chẳng phải hành động này chứng tỏ Mỹ đã “ăn cắp” quyền tự do Internet của công dân Mỹ?
Không những đánh cắp tự do Internet trong lòng nước Mỹ, Mỹ còn cho NSA vươn tay ra ngoài thế giới, xâm nhập hệ thống máy tính, điện thoại của nước khác. Xâm nhập được bao nhiêu nước thì người ta chưa rõ hoặc phải chờ Snowden tiết lộ tiếp nếu anh này biết. Tại thời điểm hiện tại, Snowden mới chỉ tố cáo rằng, trong số 61.000 mục tiêu tấn công có hàng ngàn mục tiêu tại Hồng Công (Trung Quốc). NSA đã đột nhập và đánh cắp dữ liệu của quan chức chính phủ, của trường đại học, của sinh viên. NSA còn ăn cắp hàng triệu tin nhắn điện thoại di động ở Trung Quốc đại lục bằng cách thâm nhập vào các công ty điện thoại của nước này. Hẳn chính quyền Mỹ sẽ phải “muối mặt” vì trước đó, nước này đã gay gắt chỉ trích việc tin tặc Trung Quốc xâm nhập, ăn cắp bí mật của Mỹ.
Mỹ luôn lên mặt với thế giới rằng nước A là “kẻ thù của Internet”, nước B “hạn chế quyền tự do công dân” và tự cho mình cái quyền đưa ra các danh sách đánh giá, xếp hạng các nước theo tiêu chuẩn mà chính Mỹ cũng không làm được. Dù một mực bênh vực các chương trình do thám của Mỹ, nhưng hẳn Tổng thống Barack Obama cũng phải “gờn gợn” khi biết rằng chính ông cũng từng bị NSA theo dõi từ cái thời mà ông còn là thượng nghị sĩ bang Illinois. Vậy là, đúng như Snowden nói, tiết lộ của anh đã cho cả thế giới thấy bộ mặt “đạo đức giả” của Mỹ. Và cũng thật chẳng oan ức khi Mỹ bị báo chí một số nước coi là “vua” lạm dụng nhân quyền và là “tội phạm” gián điệp.
Thùy Dương