Dự án giãn dân lên vùng kinh tế mới ở khu vực phía Tây Vĩnh Linh được thực hiện năm 1993. Ông Kha là một trong những người đi tiên phong lập nghiệp. Từ nguồn vốn vay ban đầu 3 triệu đồng, ông mua 4 con bò, rồi phát triển dần lên 36 con trong 10 năm. Bên cạnh đó, ông đào ao thả cá, trồng thêm các loại sắn, keo tràm, cây ăn quả… để tạo nguồn vốn. Sau đó, ông vay thêm ngân hàng 45 triệu đồng tiếp tục đầu tư trồng cao su. Đến năm 2004, ông đã trồng được 14 ha cao su và 32 ha rừng tràm, keo, mở rộng thêm hồ nuôi cá.
Chỉ tính từ năm 2007 - 2010, tổng thu của gia đình ông đã đạt gần 2,5 tỷ đồng. Ông dùng số vốn này để đầu tư trồng mới, xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi và mở rộng trang trại. Hiện trang trại của ông đã tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và hơn 200 lao động thời vụ.
Hiểu rõ nỗi vất vả của những người cùng cảnh ngộ ban đầu lập nghiệp, ông Kha đã hỗ trợ không hoàn lại hơn 120 triệu đồng cho đồng đội và bà con làng xóm. Ông cũng đầu tư xây dựng hơn 2 km đường làng với chi phí hơn 52 triệu đồng; ủng hộ Hội nạn nhân chất độc da cam, trường học, các hội hơn 14 triệu đồng, tham gia xây dựng các công trình phúc lợi xã hội hơn 200 triệu đồng…
Ông Cao Tất Bình - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thủy cho biết: Gia đình vợ chồng cựu chiến binh Lê Đức Kha là tấm gương sáng về làm ăn kinh tế giỏi của xã. Bên cạnh đó, ông luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế và các phong trào địa phương, tham gia các chương trình nhân đạo, từ thiện. Với mô hình phát triển trang trại tổng hợp trồng và khoanh nuôi rừng, ông Lê Đức Kha đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Người Chu Ru làm giàu từ kinh tế trang trại
“Muốn làm giàu thì phải ham học hỏi, cần cù và tiết kiệm”. Đó là bí quyết làm giàu của gia đình ông Ya Uông, ở thôn Kambutte, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).
Xác định thế mạnh về đất đai cho sự phát triển những cây, con phù hợp, ông Ya Uông tập trung đầu tư trồng những cây chủ yếu là cà phê, lúa và các loại hoa màu khác như: Ngô, khoai lang và phát triển chăn nuôi. Dần dần ông trở thành người trồng cà phê chuyên nghiệp, biết chọn giống, chọn cây khỏe để trồng, biết bón phân tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, áp dụng “4 đúng” nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Từ số tiền tích góp được do trồng cây ngắn ngày và vốn vay mượn ngân hàng, ông Ya Uông đã mua thêm diện tích đất đồi để chuyên canh trồng cà phê. Đến nay tổng diện tích đất của gia đình là 7,65 ha; trong đó có 0,4 ha trồng cà phê catimo giống mới; 1,3 ha đất màu để sản xuất rau. Trang trại của ông Ya Uông được bố trí hợp lý các khu đất sản xuất cà phê, kết hợp trồng rau màu, nước tưới và khu chăn nuôi trâu bò thích hợp cho sự chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi. Ông mua sắm phương tiện sản xuất như: Máy kéo, máy xới đất, máy đập vỏ cà phê, máy tưới và khoảng trên 10 con trâu bò lai Sind. Nói về căn nhà cao tầng trị giá gần 1 tỷ đồng vừa mới hoàn thành giữa buôn làng Kambutte, ông Ya Uông bộc bạch: Đó là kết quả lao động miệt mài sau hơn 20 năm lao động cần cù, biết chi tiêu phù hợp và tiết kiệm.
Điều đáng ghi nhận hơn ở người nông dân Chu Ru này là ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm liền ông còn đầu tư vốn cho gần 15 hộ khó khăn vay để sản xuất, bình quân từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/hộ không lấy lãi, tổng số tiền cho vay khoảng 70 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn trao đổi kinh nghiệm cho bà con trong buôn về cách chăm sóc cà phê, chăn nuôi bò. Trang trại của ông còn tạo điều kiện giúp nhiều lao động địa phương có việc làm với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Năm 2011, thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình ông Ya Uông trên 750.000 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất được hơn 500.000 triệu đồng.
Ông Lê Thanh Hải, cán bộ phụ trách địa chính, nông nghiệp của xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết: Trang trại Ya Uông với mô hình “lấy ngắn nuôi dài” là điển hình cho sự ham học hỏi, cần cù chịu khó. Mô hình này là bài học kinh nghiệm cho nhiều hộ đồng bào dân tộc trong vùng cùng học tập để vươn lên thoát nghèo.
Phát huy mô hình sản xuất kinh tế hộ
Không chỉ là một trưởng bản năng động, nhiệt tình trong công việc, chị Lù Thị Chiến, bản Bó Phứa, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La còn là người đi đầu trong mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng.
Năm 2000, khi gia đình chuyển đến bản Bó Phứa, thấy diện tích đất rộng, chị đã bàn với mọi người trong gia đình mua giống cây nhãn và cà phê về trồng. Nhưng do đất đai cằn cỗi, lại thiếu nguồn nước để tưới nên thu nhập không cao. Được Hội Phụ nữ phường tổ chức cho đi tham quan mô hình chăn nuôi hộ gia đình tại huyện Sông Mã, chị quyết định chuyển sang mô hình chăn nuôi “lấy ngắn nuôi dài”. Ban đầu chị nuôi 50 con gà, sau một thời gian thấy thu nhập từ việc bán gà (trứng và thịt) cho kết quả khả quan, chị đã mở rộng mô hình sang nuôi lợn, ngan, ngỗng.
Chị Chiến cho biết: Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm không phải lúc nào cũng thuận lợi. Năm 2009 khi dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh trên địa bàn, đàn gà của chị dù được tiêm phòng thường xuyên nhưng vẫn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Không chịu lùi bước trước khó khăn, chị đã làm đơn vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội và quyết tâm gây dựng lại. Để gia súc, gia cầm không mắc bệnh, chị xây dựng chuồng trại theo đúng quy chuẩn, thường xuyên tiêm phòng, khử trùng đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, xây hệ thống tường rào bao quanh khu vườn rộng 5.000 m2 để thuận lợi cho việc chăn thả và ngăn không cho gia súc, gia cầm tiếp xúc với bên ngoài để tránh bị nhiễm bệnh.
Hiện nay, trang trại của chị đã có gần 400 con gà (gà lôi, gà sao…), hàng trăm con ngan và hàng chục con lợn, thu nhập mỗi năm của gia đình chị lên tới gần 400 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình của gia đình chị có hiệu quả, nhiều bà con trong bản đã đến học tập và được chị nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm. Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi hộ gia đình, lấy ngắn nuôi dài mà nhiều gia đình trong bản đã thoát nghèo, đời sống từng bước được ổn định. Hiện bản Bó Phứa có 85 hộ nhưng chỉ có 10 hộ nghèo.
TTN