Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, đồng chí Võ Anh Kiệt đã gửi lời thăm hỏi và chúc mừng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, các giáo cả, Ban quản trị và đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn xã Châu Phong nói riêng và toàn tỉnh An Giang nói chung đón lễ Roya Haji vui vẻ, hạnh phúc, an lành và tiết kiệm.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc ít người, hỗ trợ vay vốn, giáo dục, phát triển điện, đường, trường, trạm… Nhờ vậy, đời sống của bà con dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Chăm nói riêng ngày càng phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt bày tỏ mong muốn, đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang luôn phát huy tốt tình đoàn kết, tích cực tham gia sản xuất phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu, giảm nghèo nhanh, bền vững; tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chăm lo, đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ… qua đó góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng văn mình, giàu đẹp.
Dịp này, đồng chí Võ Anh Kiệt và đoàn công tác trao 30 phần quà tặng hộ nghèo dân tộc Chăm nơi trên địa bàn xã Châu Phong, góp phần giúp bà con đón Tết Royal Haji trong đầm ấm.
Trước đó, Đoàn công tác của tỉnh An Giang do ông Men Pho Ly, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang làm Trưởng đoàn cũng đã đến chúc mừng, tặng quà đồng bào dân tộc Chăm tại xã Đa Phước và Nhơn Hội của huyện An Phú nhân dịp Tết Roya Haji 2019.
Ông Men Pho Ly, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, dịp lễ Roya Haji của đồng bào dân tộc Chăm năm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang và Ban Dân tộc tỉnh An Giang đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, chúc mừng ngày Tết Roya tại tất cả các thánh đường, các tiểu thánh đường trong tỉnh; thăm, tặng quà các hộ gia đình đồng bào dân tộc Chăm có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, năm 2019, với sự tham mưu của Ban Dân tộc, UBND tỉnh An Giang đã trích kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo dân tộc Chăm 300.000 đồng/hộ để vui Tết Roya Haji.
Cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang hiện có hơn 17.000 người, theo đạo Hồi Islam, sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường ở 9 xóm, ấp thuộc thị xã Tân Châu và bốn huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân; với công việc chủ yếu là mua bán đường dài, chăn nuôi bò, dê; một số ít hộ sản xuất nông nghiệp. Lễ Roya Haji là một trong hai dịp lễ quan trọng nhất của người theo đạo Hồi ở An Giang và có ý nghĩa như ngày Tết cổ truyền.