Nhân dịp lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ D - Day của quân đồng minh lên bờ biển Normandy của Pháp, lãnh đạo các nước đã tranh thủ cơ hội để bàn về giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Pháp Hollande sau bữa tối ở Điện Elysee. |
Các nguồn tin cho biết, sau khi tham dự các sự kiện chính trong lễ kỷ niệm ở Pháp, lãnh đạo các nước như Mỹ, Nga, Anh, Đức, Canada... sẽ có các cuộc gặp riêng. Ngày 6/6, một nguồn tin nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc trao đổi ngắn. Một quan chức Nhà Trắng cũng xác nhận rằng đây là cuộc gặp "không chính thức" và kéo dài 10 - 15 phút. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương Nga - Mỹ đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko cũng có cuộc gặp gỡ đầu tiên kể từ khi ông Poroshenko đắc cử tổng thống hôm 25/5 vừa qua. Hai bên đã thảo luận về một lệnh ngừng bắn tại khu vực miền Đông Ukraine và các bước đi tiềm năng khác nhằm giảm leo thang khủng hoảng giữa hai nước. Một trợ lý của tổng thống Pháp nói: "Họ có thể đã bắt đầu đối thoại về các biện pháp giảm leo thang (căng thẳng), trong đó có việc Moskva công nhận ông Poroshenko đắc cử. Nội dung cụ thể của lệnh ngừng bắn có thể sẽ được thảo luận trong những ngày tới".
Trong khi đó, hãng tin Nga dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Trong cuộc trao đổi ngắn, cả Tổng thống Putin và ông Poroshenko đã kêu gọi nhanh chóng chấm dứt tình trạng đổ máu ở miền Đông Nam Ukraine cũng như ngừng giao tranh giữa hai bên - gồm lực lượng vũ trang Ukraine với những người ủng hộ liên bang hóa nước này".
Với tư cách là chủ nhà, Tổng thống Pháp Francoi Hollande hi vọng các cuộc gặp sẽ góp phần phá tan băng giá trong mối quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây trong vấn đề Ukraine. Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014 và cuộc xung đột tiếp diễn ở miền đông Ukraine, quan hệ Nga với Mỹ cũng như Ukraine trở nên nguội lạnh và căng thẳng.
Trước đó, ngày 5/6, Tổng thống Pháp Hollande đã thảo luận về tình hình Ukraine trong hai bữa tối riêng biệt với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, không có đột phá nào trong hai cuộc thảo luận này.
Ukraine và Nga cũng là hai chủ đề được nhắc tới nhiều trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 ở Bỉ. Tại đó, Tổng thống Mỹ Obama đã cảnh báo Nga sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới nếu không công nhận chính phủ Ukraine và không hợp tác để giảm bạo lực ở miền đông. Ông Obama cho rằng Nga nên đi theo hướng đối thoại trực tiếp với Tổng thống đắc cử Ukraine Poroshenko. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin vẫn chưa không nhận tính hợp pháp của tổng thống đắc cử Ukraine, cho dù Nga vẫn cử đại sứ tới dự lễ nhậm chức tổng thống của ông Poroshenko vào ngày hôm nay (7/6).
Trong khi đó, trên mặt trận miền đông Ukraine, lực lượng an ninh nước này đã đẩy lùi một cuộc tấn công của người biểu tình vào chốt kiểm soát Marynivka ở biên giới. Lực lượng Ukraine đã không kích khiến người biểu tình buộc phải rút lui. Trong cuộc tấn công, 5 binh sĩ Ukraine bị thương và một số xe tải của lực lượng tự vệ miền đông đã bị phá hủy.
Thùy Dương