Lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm việc tại các địa phương

Trong 2 ngày 20 - 21/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định.


Tại xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), Chủ tịch nước đã trực tiếp thăm hỏi các ngư dân đang tham gia các tổ đánh bắt thủy sản. Với nhiều hình thức liên kết trong sản xuất, dịch vụ hậu cần nghề cá, các tổ đánh bắt thủy sản xa bờ tại xã Tam Quan Bắc đã chứng minh hiệu quả thực tiễn, kiên trì bám biển, mạnh dạn vay vốn đầu tư, đóng tàu công suất lớn, khai thác hiệu quả nguồn hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tiêu biểu là Tổ đánh bắt thủy sản Sáu Ninh với 16 tàu công suất từ 300 - 500 CV, thu hút 200 lao động đã vượt qua những khó khăn do thiên tai, rủi ro, không ngừng vươn xa bám biển.


Nói chuyện với bà con xã Tam Quan Bắc, Chủ tịch nước hoan nghênh mô hình hoạt động của các tổ đội đánh bắt thủy sản đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chủ tịch nước căn dặn các ngư dân khi hoạt động đánh bắt trên biển phải chú ý tuân thủ các quy định quốc tế, nếu xảy ra vụ việc phải báo cáo chính xác, kịp thời với cơ quan chức năng để được giúp đỡ.


Ghi nhận những kiến nghị của ngư dân về hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, tiêu thụ thủy sản, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Bình Định, tạo điều kiện để người dân Tam Quan Bắc tháo gỡ khó khăn, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch; hạn chế tình trạng giá cả bấp bênh, tư thương ép giá.


Tại xã An Quang (huyện An Lão), Chủ tịch nước đã đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo gặp nhiều khó khăn. Là nơi có nhiều đồng bào dân tộc H'rê sinh sống, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo hộ nghèo tại xã An Lão được thực hiện thường xuyên. Đời sống bà con dân tộc vùng cao có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, điều kiện canh tác lạc hậu, các chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu tư hạ tầng, phát triển nghề rừng còn chậm được triển khai. Cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa đã được đầu tư nhưng còn nhiều thiếu thốn. Đây là những nội dung được chính quyền và người dân xã bày tỏ với Chủ tịch nước và đoàn công tác trong buổi tiếp xúc.


Chủ tịch nước đã đến thăm, động viên cán bộ công nhân cảng Quy Nhơn. Nhờ đoàn kết, đổi mới, cán bộ, công nhân cảng Quy Nhơn đã đưa đơn vị trở thành lá cờ đầu của ngành vận tải biển về công suất bốc dỡ hàng hóa, giảm chi phí một tấn hàng qua cảng; nâng cao doanh thu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.


Thăm khu kinh tế Nhơn Hội, Chủ tịch nước đã nghe báo cáo về tình hình thu hút đầu tư tại khu công nghiệp trọng điểm của Bình Định. Với diện tích quy hoạch 12.000 ha, khu kinh tế Nhơn Hội thu hút được 34 dự án đầu tư với số vốn 1,2 tỉ USD. Hiện tỉnh Bình Định đang nỗ lực làm việc với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan để triển khai dự án khả thi Tổ hợp Lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội.


Sau khi tìm hiểu thực tế, Chủ tịch nước đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định.


Hoan nghênh các lĩnh vực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo của Bình Định đều đạt được nhiều tiến bộ, Chủ tịch nước đánh giá cao sáng tạo của tỉnh trong xây dựng những mô hình tổ khai thác đánh bắt thủy sản; hoán cải đội tàu đủ tiêu chuẩn, phát triển dịch vụ hậu cần nghề biển. Chủ tịch nước cũng đồng tình với những giải pháp của Bình Định trong xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương.


Ủng hộ đề nghị của tỉnh về xây dựng quỹ hỗ trợ ngư dân, Chủ tịch nước nhấn mạnh, kết quả tăng trưởng của Bình Định về nghề biển, nghề rừng chưa tương xứng với tiềm năng. Tỉnh cần khẩn trương rà soát những bất cập trong lĩnh vực đánh bắt hải sản và phát triển nghề rừng, từ đó huy động nguồn lực, ban hành chính sách hỗ trợ nông dân phát triển lâm, ngư nghiệp.


Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Bình Định cần tìm mọi cách tháo gỡ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị đã từng hoạt động hiệu quả, tạo dựng được thị trường, thương hiệu. Với những kiến nghị về triển khai các dự án trọng điểm, Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh chú ý lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, kết hợp kiểm chứng thực tiễn với tầm nhìn tương lai, đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

 

* Chiều 21/2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị tỉnh Thái Bình cần tìm ra các mô hình phát triển bền vững cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tìm ra các cơ chế chính sách phù hợp, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các dự án lớn có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tác dụng trong tái cơ cấu kinh tế. Tỉnh cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa tái cơ cấu nông nghiệp, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, tìm sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh; quan tâm hơn nữa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến công nghệ cao.


Phó Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Thái Bình cần tìm mọi giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp. Tiềm năng về phát triển chăn nuôi của Thái Bình còn lớn, do đó tỉnh cần phát triển chăn nuôi quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; tập trung quyết liệt hơn công tác phòng chống dịch bệnh.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN