Đi đầu trong việc phát triển mô hình nuôi cá lóc trên vùng cát, anh Trần Kim Phi (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã thực hiện được khát vọng làm giàu trên quê hương mình.
Anh Trần Kim Phi (xã Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy, Quảng Bình) giới thiệu về mô hình nuôi cá lóc giống của mình. |
Ngoài việc phát triển hồ nuôi tăng năng suất, anh Phi còn tiến hành mô hình nuôi cá giống và thu mua cá thương phẩm cho bà con trong xã, mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng. Với mô hình hiệu quả của anh, đến nay xã Ngư Thủy Bắc đã có 80% số hộ gia đình thực hiện mô hình này, sản lượng cá hàng năm của toàn xã trên 250 tấn.
Dẫn chúng tôi về thăm cơ ngơi của gia đình anh Phi, ông Trần Tiến Bền, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Ngư Thủy Bắc, không ngớt ca ngợi về sự cần cù chịu khó và mạnh dạn đầu tư làm giàu trên vùng cát trắng này. Quả không sai, trước mắt chúng tôi là cơ ngơi rộng gần 1 ha với ngôi nhà 2 tầng mọc sừng sững giữa làng, vườn cây xanh tốt và một dãy 8 ao cá liên tiếp. Phía dưới ao cá, ông chủ trẻ Trần Kim Phi vừa cho cá ăn vừa chia sẻ: Đây là vụ cá trái mùa mà gia đình đang chăm sóc để bán vào dịp Tết với dự kiến thu về từ 70 đến 80 triệu đồng. Tuy nhiên, để nuôi được cá trái mùa, bên cạnh việc phải bỏ ra rất nhiều công chăm sóc, người nuôi cá phải am hiểu rất rõ tập tính cá.
Cách đây 10 năm, Trần Kim Phi vốn là một ngư dân trên chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, cuộc sống gia đình chật vật khó khăn, vốn liếng không có. Lênh đênh trên biển, trăn trở về vùng cát trắng quê hương, anh Phi đã quyết tâm phải lập nghiệp bằng chính ưu thế đó. Vì vậy, anh Phi đã tạm gác nghề đi biển, lên đường vào Nam tìm hiểu về mô hình nuôi cá. Sau một thời gian, anh trở về quê nhà, vừa đi biển, vừa dồn cả vốn liếng vào nuôi cá trê, nhưng việc nuôi loài cá này cũng không khả quan vì lợi nhuận thấp mà mất nhiều công chăm sóc.
Nhận thấy việc nuôi cá lóc vừa ít tốn kém lại dễ nuôi, anh quyết định thả 3 hồ cá lóc với tổng diện tích khoảng 240 m2. Tận dụng nguồn cá nhỏ bắt được khi đi biển làm thức ăn cho cá lóc, chỉ sau 4 tháng, anh Phi đã có trên 1 tấn cá lóc với lợi nhuận thu về hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy đây là mô hình cho hiệu quả cao, anh đã quyết định mở rộng diện tích nuôi cá lóc. Đến nay, anh đã đầu tư 10 hồ nuôi, mỗi năm thu hoạch trên 5 tấn, thu về trên 200 triệu đồng.
Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh còn khuyến khích và hướng dẫn bà con hàng xóm đào ao thả cá lóc và tận dụng nguồn cá nhỏ đánh bắt được trên biển để làm thức ăn cho cá. Đây được xem là nghề chính trong cơ cấu phát triển kinh tế xã Ngư Thủy Bắc hiện nay. Ngoài việc duy trì nghề biển và phát triển hồ nuôi cá, Trần Kim Phi còn tổ chức thu mua và tiêu thụ ổn định nguồn cá nuôi được của bà con ở Ngư Thủy Bắc, nên mỗi khi mùa vụ về, ở đây không có cảnh tư thương ép giá như nhiều nơi.
Không bằng lòng với những thành quả đã đạt được, anh Phi lại đang thí điểm mô hình nuôi cá giống để cung cấp cho thị trường. Sau một thời gian thả thí điểm, lứa đầu tiên đã cho ra đời hơn 20.000 cá lóc con, tuy mới chỉ cung cấp giống cho gia đình mình, nhưng trong một thời gian không xa, nguồn cá giống của anh sẽ cung cấp cho các hộ nuôi trong xã.
Bài và ảnh: Nguyễn Đức Thọ