Làm gì để hoàn toàn nuôi con bẰng sữa mẹ? - Bài 2: Cần phát huy vai trò của ngành y tế

“Ngành y tế có vai trò rất quan trọng trong việc “cải thiện” tỷ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu nhưng thực tế, những chính sách về vấn đề này đã có thời gian bị “quên lãng” hoặc chưa được thực thi một cách chưa toàn diện”, bà Hoàng Thị Bằng, cán bộ Chương trình Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, khẳng định.

Hàng trăm bà mẹ đồng loạt "trình diễn" cho con bú sữa mẹ, hưởng ứng Ngày hội "Sữa mẹ - cùng nói lời yêu thương" tổ chức ngày 7/8, tại Hà Nội.


Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, do việc triển khai các hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) không nằm trong khuôn khổ của một chương trình y tế độc lập nên rất thiếu kinh phí, khó triển khai các khóa tập huấn cho cán bộ y tế và rất hạn chế việc phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến NCBSM... Các hoạt động thúc đẩy NCBSM hiện nay chủ yếu vẫn “trông chờ” vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Bởi vậy, tại các cơ sở y tế, việc triển khai các hoạt động NCBSM còn nhiều khó khăn do các cán bộ y tế chưa quan tâm hướng dẫn kỹ năng NCBSM, thời gian tư vấn các bà mẹ NCBSM cũng hạn chế...

Ngay từ năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới/UNICEF về việc xây dựng mô hình Bệnh viện Bạn hữu trẻ em (BVBHTE) tại các BV đa khoa, chuyên khoa sản, nhi tuyến tỉnh/TW, chú trọng vào việc thực hiện thành công 10 bước NCBSM. Nhưng đến nay, cả nước mới chỉ có 59 trong tổng số 12.146 cơ sở y tế được công nhận là BVBHTE. Thậm chí, sau khi được công nhận là BVBHTE, nhiều BV chưa chú trọng duy trì thực hiện 10 bước NCBSM.

“Tại các tỉnh có dự án hỗ trợ, việc thực hiện 10 bước NCBSM tốt hơn. Còn lại, tại các cơ sở y tế khác, dù tuyến tỉnh hay trung ương thì đều chung một bối cảnh vì quá tải nên ít có điều kiện tư vấn, giám sát về NCBSM. Nhất là tại các BV tuyến trung ương, số lượng bệnh nhân đến đông hơn nên thời gian tư vấn NCBSM còn ít hơn so với BV tuyến tỉnh...”, bà Hoàng Thị Bằng, khẳng định.

“Thời gian tới, Bộ Y tế chủ trương mở rộng mạng lưới BVBHTE. Nhưng để thực hiện được điều này, thì trước hết những người lãnh đạo cơ sở y tế phải nhận thức được tầm quan trọng của việc NCBSM. Khi đó, vấn đề nâng cao ý thức, cập nhật kiến thức NCBSM cho nhân viên y tế và không cho phép các công ty quảng cáo sữa hoạt động trong BV sẽ được chú trọng hơn”, ông Nguyễn Đức Vinh trăn trở.

Bộ Y tế đã và đang nỗ lực phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, cùng nhiều tổ chức xã hội khác, nhằm đưa ra các bằng chứng khoa học để trình Chính phủ sửa đổi Luật Lao động, cho phép các bà mẹ nghỉ thêm 2 tháng sau sinh, tức là nâng mức nghỉ thai sản từ 4 tháng (hiện nay) lên thành 6 tháng. Ngoài ra, Bộ Y tế đang rà soát, đề nghị thay đổi một số quy định còn bất cập trong Nghị định số 21 về kinh doanh, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Bởi, mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm quảng cáo sữa bột theo Nghị định 21 còn thấp, chưa đủ sức răn đe, chỉ 500.000 - 15.000.000 đồng/hành vi vi phạm...

“Để nâng cao tỷ lệ NCBSM, ngoài biện pháp hỗ trợ về kỹ năng NCBSM, hỗ trợ các chính sách như nâng chế độ nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng, các bà mẹ còn cần được hỗ trợ bởi các chính sách về kinh tế”, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, nhấn mạnh.

Thực tế, số bà mẹ sinh sống ở nông thôn rất cao, nếu không được hỗ trợ thêm về kinh tế trong những tháng nghỉ thai sản thì các bà mẹ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, rất khó yên tâm ở nhà để NCBSM. Nhiều bà mẹ ở nông thôn sau khi sinh con chỉ vài tuần do khó khăn về kinh tế đã tham gia lao động nặng nhọc, ít có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó, theo khuyến nghị của ngành y tế, để có đủ sữa cho con bú, các bà mẹ rất cần có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý. “Do đó, các bà mẹ rất cần sự hỗ trợ đặc biệt của nhà nước và nhiều ban, ngành chức năng để NCBSM. Đơn cử, các bà mẹ khi nghỉ đẻ cần được hưởng cả các chế độ ưu đãi như khi đi làm, chứ không chỉ là được hưởng 100% lương như hiện nay. Thực tế, nhiều bà mẹ do nghỉ sinh con đã bị cắt giảm nhiều khoản tiền thưởng nên thu nhập giảm nhiều so với khi đi làm. Riêng các bà mẹ ở nông thôn thì lại cần được địa phương, các tổ chức xã hội hỗ trợ về kinh tế nhiều hơn”, PGS.TS Lê Bạch Mai chia sẻ.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, để có được nguồn sữa mẹ đủ về lượng và đảm bảo về chất, điều quan trọng nhất là các bà mẹ phải tự tin và cho trẻ bú thường xuyên, vì nếu không thì lượng sữa tiết ra sẽ ngày một ít đi.

Người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không áp dụng “chính sách” kiêng khem trong chế độ ăn uống. “Các bà mẹ cũng cần có tinh thần thoải mái, tránh bị stress hay trầm cảm sẽ ảnh hưởng tới việc tiết sữa. Có thể ăn những thức ăn có tác dụng kích thích tiết sữa như chân giò hầm đu đủ, xôi đậu xanh, ý dĩ. Ngoài ra, các bà mẹ nên đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, không nên ăn rau sống, ăn mắm sống vì dễ tiêu chảy... ảnh hưởng đến việc NCBSM”, BS Trần Thị Tuyết Lan “bật mí”.

Ngoài ra, các bà mẹ NCBSM hạn chế các gia vị như ớt, hành, tỏi vì dễ làm cho sữa có mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú. Khi cho con bú, hạn chế dùng thuốc vì một số loại thuốc có thể ngấm qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.

Bài và ảnh: Phương Liên

Bài cuối: Cần cơ sở pháp lý mạnh

Làm gì để hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ? - Bài 1: Lấy lại dòng sữa mẹ cho con
Làm gì để hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ? - Bài 1: Lấy lại dòng sữa mẹ cho con

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng, không chỉ cung cấp đầy đủ dưỡng chất và vitamin cần thiết cho trẻ trong 6 tháng đầu đời mà còn giúp trẻ phòng tránh tình trạng suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm phổi... Thế nhưng nguồn “vắcxin” quý giá ấy vẫn đang bị nhiều bà mẹ bỏ phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN