Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đang kêu khó có thể tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng trong điều kiện lãi suất đầu ra quá cao. Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Dương Thu Hương (ảnh), Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, lãi suất sẽ chỉ giảm nhiệt khi lạm phát có xu hướng giảm ổn định.
Bà có cho rằng, doanh nghiệp đang bị làm khó bởi họ phải vay với lãi suất cao?
Với tư cách là Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, tôi cho rằng không có ngân hàng nào muốn đẩy lãi suất lên cao. Bản thân ngân hàng đều muốn đưa ra mức lãi suất hợp lý nhằm ổn định hoạt động kinh doanh của mình. Các ngân hàng hiện nay cũng phải đi tìm và thu hút khách hàng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dựa vốn ngân hàng tới 70 - 80% nên muốn chi phí đầu vào thấp để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Do vậy, nếu lãi ngân hàng thấp thì họ sẽ có giá bán cạnh tranh hơn. Quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp hiện nay cũng không phải theo một chiều mà thay vào đó là quan hệ hai chiều.
Nhiều ngân hàng vẫn dành ưu tiên các khoản vay cho một số doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ... Ở đâu đó có doanh nghiệp kêu khó tiếp cận nguồn vốn khi lãi suất 28% hay thậm chí lên đến 30%/năm nhưng không phải là lãi suất phổ biến. Các ngân hàng buộc phải đưa ra mức lãi suất cao đối với doanh nghiệp để từ chối khéo khách hàng khi tốc độ tăng trưởng tín dụng của họ đã gần với mức được phép là dưới 20% trong năm 2011.
Vậy bà có thể dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt vào thời điểm nào?
Tôi cho rằng lãi suất tại thời điểm này cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm nhưng mức giảm chỉ 0,5%/năm. Lãi suất chưa có cơ sở để giảm mạnh bởi lạm phát còn cao. Đầu năm 2011, Chính phủ đề ra mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 7%/năm nhưng đến tháng 5, Chính phủ đã điều chỉnh là 15%. Tiếp đến tháng 6/2011, chỉ số lạm phát lại được điều chỉnh một lần nữa, trong khoảng từ 15 - 17%/năm.
Bảng niêm yết lãi suất huy động tại Ngân hàng HSBC. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, yếu tố để lạm phát tăng không lường trước được như: Mưa bão, giá cả tăng cao, dịch bệnh... Do vậy lãi suất chỉ giảm nhiệt khi lạm phát có xu hướng giảm ổn định.
Với tình hình hiện nay, theo bà, trần lãi suất huy động 14%/năm có còn hợp lý hay không?
Khách hàng đi gửi tiền đều mong muốn lãi là thực dương. Thậm chí, khách hàng còn yêu cầu được mặc cả lãi suất khi có tiền gửi từ 50 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 có khả năng từ 15 -17%/năm nên không có khách hàng nào chấp nhận được lãi suất huy động là 14%/năm như hiện nay. Và ngân hàng muốn có tiền cho khách hàng vay cũng phải lấy từ nguồn tiền huy động trong dân.
Do vậy, theo tôi, trần lãi suất huy động 14%/năm như tình hình hiện nay sẽ không còn hợp lý nữa. Tất nhiên, với lãi suất huy động tăng cao, ắt lãi suất đầu ra cũng phải tăng tương ứng.
Có ý kiến cho rằng, áp lực lãi suất như hiện nay lại là động lực để doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà nhận định về vấn đề này như thế nào ?
Theo tôi, trong nền kinh tế thị trường luôn có sự chọn lọc. Do đó, đây chính là thời điểm tốt để sắp xếp và sàng lọc lại đội ngũ doanh nghiệp, đồng thời cơ cấu lại nền kinh tế. Từng đơn vị phải có kế hoạch sản xuất, thu gọn bộ máy... cho phù hợp với nền kinh tế đang gặp khó khăn nhằm duy trì được hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định được khả năng của mình trong nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nào lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng mà không biết cách cơ cấu lại bộ máy hoạt động ắt sẽ gặp khó khăn.
Xin cảm ơn bà!
Hải Yến (Thực hiện)