Gia đình anh Nguyễn Văn Khuyên (xóm Thông, xã Hợp Thịnh) trước đây chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, ngô, mía, nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Năm 2009, khi tìm hiểu về cây phật thủ, nhận thấy đây là cây trồng cho thu nhập cao, anh Khuyên đã lặn lội xuống huyện Hoài Đức (Hà Nội) tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.
Nhân dân xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn trồng mướp đắng lấy hạt cho thu nhập khá.
|
Anh Khuyên chia sẻ: “Lúc đầu trồng cây phật thủ, tôi cũng rất lo sợ vì đây là loại cây mới ở vùng đất Hợp Thịnh, không biết có cho nhiều quả không. Nhưng chỉ sau một năm chăm sóc, cây phật thủ đã bói quả. Hiện nay, với 4.000 m2 đất, tôi trồng hơn 300 gốc phật thủ, bình quân mỗi cây cho khoảng 50 - 60 quả/năm, với giá bán trung bình khoảng 70.000 đồng/quả. Như vậy, trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 170 đến 200 triệu đồng. Ưu điểm của loại cây này là dễ trồng, mất ít công chăm sóc, mặc dù nhiều sâu bệnh nhưng phòng trừ lại dễ, nên hiệu quả kinh tế khá cao”.
Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thịnh, Trần Văn Tình, cho biết: Thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã đạt được 13 tiêu chí. Có được kết quả đó là nhờ đồng bào đã hiến hơn 740.000 m2 đất và hàng nghìn ngày công để làm trên 14 km đường giao thông nông thôn. Các mô hình trồng bưởi, ớt, gà thả vườn, cánh đồng mẫu lớn vào sản xuất trên địa bàn cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Nhờ sự nhiệt huyết của các cấp lãnh đạo và sự đồng lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Kỳ Sơn đã giảm còn 5%, hơn 90% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch, 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, 12 trường đạt chuẩn quốc gia, tình hình an ninh trật tự xã hội luôn được bảo đảm, người dân yên tâm sản xuất và phát triển kinh tế.
Bài và ảnh: Vũ Trung Đức