Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC - Sóc Trăng 2014) với chủ đề: “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL” diễn ra từ ngày 5 - 7/11. Đây là sự kiện chính trị - kinh tế quan trọng được các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL quan tâm.
Nhân sự kiện này, phóng viên TTXVN thường trú tại Sóc Trăng đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hiếu (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban tổ chức MDEC - Sóc Trăng 2014.
Xin ông cho biết mục đích của việc tổ chức Diễn đàn MDEC - Sóc Trăng 2014?
Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL 2014 là sự kiện được tổ chức hàng năm theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn này do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành Trung ương, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức. Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL; giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương và các vùng, địa phương cả trong nước, cũng như với quốc tế.
Mục đích chính của MDEC lần này là nhằm nâng cao nhận thức về Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL. Thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các mặt hàng chủ lực như: Lúa, gạo, trái cây, tôm cá… tạo sự thống nhất chuỗi ngành hàng từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa nông nghiệp; phối hợp giữa các địa phương xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL; giới thiệu công nghệ kỹ thuật cao sản xuất, chế biến nông sản.
52 đội ghe đua tài trong ngày hội Đua ghe Ngo
Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu long (MDEC Sóc Trăng 2014) năm nay, tỉnh Sóc Trăng sẽ lồng ghép tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo.
Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Giải Đua ghe Ngo lần này được tổ chức với quy mô khu vực, không hạn chế số lượng tham gia, gồm 2 cự ly 1.200 m đối với nam và 1.000 m đối với nữ. Đến ngày 31/10, Ban tổ chức giải đã chốt danh sách gồm có tổng cộng 52 đội ghe Ngo với gần 3.000 vận động viên của tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực đăng ký tham gia, trong đó có 42 đội trong tỉnh và 10 đội ngoài tỉnh. Giải sẽ được tổ chức trong hai ngày 5 và 6/11/2014. Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer là sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng. Đây cũng là Lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer không chỉ riêng ở Sóc trăng mà còn của cả đồng bào Khmer trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trung Hiếu |
Các hoạt động chính của Diễn đàn MDEC Sóc Trăng là gì, thưa ông?
Trong khuôn khổ MDEC, tỉnh Sóc Trăng sẽ chủ trì tổ chức các hoạt động như: Lễ hội Ooc Om Boc - Đua ghe Ngo, Hội chợ triển lãm thương mại và du lịch đồng bằng sông Cửu Long, Hội thảo về Bác sĩ nông học Lương Định Của, Lễ bế mạc MDEC, Lễ công nhận 3 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, Lễ khởi công cơ sở hạ tầng xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trần Đề và công tác hậu cần lễ tân, an ninh trật tự.
Đối với các hoạt động này, Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công đầu mối các sở, ngành phụ trách chuẩn bị. Đến nay đã cơ bản hoàn tất. Trong đó, điểm nhấn là Giải đua ghe Ngo dự kiến quy tụ khoảng 60 đội ghe mạnh từ các tỉnh, thành trong khu vực đến tranh tài. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các hoạt động như Lễ hội đường phố, Lễ dâng bông và Lễ cúng trăng theo đúng các nghi thức cổ truyền nhằm giới thiệu về nền văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer đến các du khách.
Thông qua tổ chức các sự kiện, Sóc Trăng kỳ vọng gì từ Diễn đàn này, thưa ông?
Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long là sự kiện mang quy mô cấp vùng, quy tụ nhiều đại biểu từ nhiều giới tham dự, như: cán bộ quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp,… Chính vì vậy, thông qua việc đăng cai tổ chức Diễn đàn, Sóc Trăng sẽ có cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh địa phương, đặc biệt là dịp này gắn với Lễ hội Ooc Om Boc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Đây là nét đặc trưng của tỉnh mà thời gian qua gần như đã trở thành thương hiệu sau kỳ tổ chức thành công Festival Đua ghe Ngo năm 2013. Đồng thời, thông qua việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh nói trên, cùng với việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ MDEC, như: hội nghị, hội chợ… tỉnh sẽ tận dụng để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình vận động Quỹ an sinh xã hội của Vùng, tại MDEC lần này, tỉnh Sóc Trăng được tài trợ xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Trần Đề, một công trình phục vụ an sinh xã hội sau khi tổ chức thành công sự kiện MDEC tại Sóc Trăng.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn MDEC và Lễ hội Oóc Om Boc - Đua ghe Ngo lần này, Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn du khách đến các điểm du lịch của tỉnh và tham quan các làng nghề, các cơ sở sản xuất đặc sản của tỉnh như: làng nghề cốm dẹp Phú Tân, làng nghề bánh pía, làng nghề dệt chiếu Mỹ Xuyên… Có thể nói: Giới thiệu tiềm năng đầu tư của địa phương, quảng bá hình ảnh đất nước, con người của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng chính là “cái được” lớn nhất của tỉnh nhân sự kiện MDEC lần này.
Với kinh nghiệm đã từng tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Festival Lúa gạo lần thứ II - Sóc Trăng năm 2011; Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013, Sóc trăng hy vọng sự kiện MDEC Sóc Trăng 2014 lần này sẽ đạt được thành công!
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trung Hiếu (thực hiện)