Sáng 16/10, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948-16/10/2013).
Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cán bộ lão thành cách mạng, đại diện các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương cùng nhiều thế hệ công tác trong ngành Kiểm tra Đảng đã dự lễ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Trí Dũng – TTXVN |
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Suốt chặng đường lịch sử 65 năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp các cấp ủy đảng làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương thành tích và những tiến bộ của ngành Kiểm tra, của các tập thể và cá nhân thuộc các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong 65 năm qua.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đặc biệt quan tâm và coi trọng công tác kiểm tra và việc giữ gìn kỷ luật đảng. Cách mạng nước ta đã bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tăng cường công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng cũng còn không ít hạn chế, yếu kém.Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng đổi mới, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đảng ta xác định phải tiếp tục tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở, trong đó ủy ban kiểm tra các cấp là nòng cốt.
Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, có chương trình, kế hoạch chủ động kiểm tra, giám sát hằng năm. Tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, trong đó đưa nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên. Đảng ta là đảng cầm quyền, cho nên phải rất coi trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nghị quyết của Đảng thành quy định của pháp luật để cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện.
Hương Thủy