Sự trỗi dậy của châu Á có thể khiến nhiều người dân trong khu vực cảm thấy hân hoan. Tuy nhiên, Barry Desker - Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang - cảnh báo rằng thế kỉ châu Á đang bước tới sẽ không trải đầy hoa hồng.
Yếu tố ổn định chính trị
Chuyên gia Barry Desker cho rằng nhiều người đang kì vọng về sự trỗi dậy của châu Á và sự chuyển giao quyền lực từ Tây sang Đông. Tuy nhiên, họ quên mất rằng sự trỗi dậy của châu Á chỉ xuất hiện trong một kỉ nguyên hòa bình và ổn định chính trị tương đối. Nếu châu Á bước vào một thời kì xung đột và bất định, với căng thẳng gia tăng tại biển Đông, biển Hoa Đông hay nguy cơ xung đột hạt nhân, chắc chắn các nguồn lực sẽ bị san cho tăng cường quốc phòng đồng thời các nhà đầu tư trong và ngoài nước lo ngại. Hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực nhiều khả năng sẽ bị chậm lại. Với những nguy cơ như vậy, một mạng lưới đan xen của các thỏa thuận khu vực và song phương đã và đang được thúc đẩy để giảm thiểu nguy cơ xung đột đồng thời tăng cường những lợi ích chung.
Châu Á đối mặt nhiều thách thức trên con đường nắm giữ quyền lực của thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Cùng lúc đó, yếu tố đố kị - một trong những nguồn gốc bất ổn xã hội - cũng sẽ xuất hiện. Tốc độ tăng trưởng tại các nước sẽ không đồng đều. Tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực duyên hải vốn được hưởng lợi từ chính sách coi trọng xuất khẩu, với nhiều đặc khu kinh tế được thiết lập và nhận nguồn đầu tư khổng lồ từ trong và ngoài nước. Trong khi đó, các tỉnh nội địa tụt lại phía sau. Còn tại những nước như Ápganixtan, Mianma và Nêpan, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Xung đột nội bộ, phản kháng vũ trang và bạo lực chính trị là một vòng tuần hoàn bế tắc. Thậm chí, trong những xã hội như Xinhgapo hay Hồng Công sự bất bình đẳng về thu nhập cũng ngày càng tăng.
Sự cản trở của phương Tây
Dù Trung Quốc có vượt qua Mỹ về kinh tế trong thập kỉ tới, song Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là cường quốc quân sự mạnh nhất. Quyền lực mềm của Mỹ và phương Tây cũng đang bị đánh giá thấp. Tiếng Anh ngày càng được sử dụng nhiều, dù là trong thương mại hay chính trị quốc tế. Cho dù quyền lực cứng của châu Á đang tăng lên, đặc biệt là kinh tế, phương Tây vẫn dễ dàng định hình khuôn khổ nghị sự toàn cầu. Các thể chế quốc tế lớn vẫn sẽ do phương Tây nắm giữ. Vị thế của châu Á sẽ lên chậm trong Liên hợp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Về kinh tế, các cuộc thương thảo hiện nay về dự án Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) phản ánh mong muốn lợi ích của Mỹ. Nước này muốn các đối tác mở cửa thị trường về đầu tư, chính sách cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, chi tiêu chính phủ và quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Cùng lúc đó, Mỹ tiếp tục bảo vệ các thị trường trong nước như may mặc hay nông nghiệp.
Trong thập kỉ tới, môi trường để phát triển ở châu Á sẽ trở nên ngày càng khó khăn. Vấn đề nhân khẩu sẽ là một thách thức. Tại Nam Á, tốc độ tăng trưởng dân số cao tiếp diễn sẽ tạo ra một dân số trẻ, tương phản với Trung Quốc - nơi chính sách một con làm già hóa dân số. Căng thẳng tiếp diễn tại Ấn Độ, Pakixtan và Ápganixtan làm gia tăng cảm giác bất ổn trong khu vực, khiến chi tiêu quân sự tăng và nêu bật nguy cơ xung đột tại tiểu khu vực này. Với Trung Quốc, dù hình ảnh cường quốc mới nổi của họ có thể sẽ dẫn đến chính sách ngoại giao tự tin hơn, song áp lực dân số sẽ buộc họ phải có chính sách an ninh cẩn trọng hơn.
Không ai dám khẳng định các cường quốc châu Á sẽ tạo dựng được ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, không chỉ bởi sẽ có sự phản kháng từ phương Tây, mà ngay cả các nước châu Á yếu hơn cũng sẽ cảnh giác với các cường quốc mới nổi trong khu vực. Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ bị đẩy theo theo hai hướng: Tiến gần hơn với Trung Quốc về kinh tế, song coi Mỹ hoặc nước khác là đối tác an ninh. Tương tự như vậy, sự trỗi dậy của Ấn Độ sẽ khiến sự hội nhập kinh tế của nước này với tiểu khu vực trở nên sâu sắc hơn, dù các nước láng giềng có tìm cách cân bằng và tăng cường mối quan hệ hợp tác chính trị và an ninh với các nước nhỏ khác ở bên ngoài Ấn Độ.
TTK