Thành phố Hồ Chí Minh đang có những biện pháp mạnh nhằm giải quyết triệt để tình trạng xây dựng nhà không phép tràn lan.
Dân biết sai
Những ngày này trở lại huyện Bình Chánh, nơi đang tháo dỡ nhiều nhà xây dựng không phép trên phần đất nông nghiệp, điều rất dễ nhận thấy là nỗi hoang mang, lo lắng về cuộc sống tương lai trên nét mặt của những người bị tháo dỡ nhà.
Một căn nhà xây dựng không phép bị cưỡng chế tháo dỡ tại tổ 18, khu phố 5A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. |
Tại ấp 1, ấp 2, ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, nhiều ngôi nhà vỡ nát, ngổn ngang gạch đá, vài hộ dân đã dựng tạm lều bạt để “sống tạm”. Một hộ dân ở tổ 18, khu phố 5A buồn bã nói: “Chúng tôi từ các tỉnh miền Bắc vào Nam sinh sống và biết việc xây nhà không phép là sai trái. Nhưng với thu nhập quá thấp nên chúng tôi đành phải làm liều. Tôi buôn bán rau, chồng tôi làm phụ hồ, tằn tiện nhiều năm mới có gần 100 triệu đồng. Năm 2012, tôi mua mảnh đất này rồi vay mượn thêm tiền để cất tạm căn nhà. Sau đó, vợ chồng tôi lại tích cóp, vay mượn tiếp để hoàn thiện được căn nhà như thế này. Tính ra làm hết 170 triệu đồng rồi mà bị đập bỏ, xót ruột quá!”.
Theo các hộ dân ở tổ 18, khu phố 5A, để xây được căn nhà hoàn chỉnh có tường gạch, thậm chí nhà kiên cố 1 trệt 1 lầu, riêng phần thô, họ đã mất đến 340 triệu đồng. Họ phải bắt đầu từ việc xây nhà tạm bằng tôn và âm thầm xây tường gạch bên trong. Đặc biệt là có hộ tự xây nhà. “Sau khi dựng nhà tôn lên, ban ngày chúng tôi tự trát vữa xây tường, tiền có đến đâu thì xây đến đó, khi nào có tiền thì lại làm tiếp”, một người dân nói.
Trong khi đó, tại các ấp thuộc xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, những hộ dân xây nhà không phép từ năm 2004 cũng đang rất lo lắng. Chị Tô Thị Tố Trinh, ngụ tại số nhà A2/40/2G, ấp 1, xã Vĩnh Lộc A nói: “Tôi mua nhà này từ chủ trước với giá 45 triệu đồng từ năm 2010. Giao dịch chỉ bằng giấy viết tay nên tôi biết nhà này, cũng như hàng loạt ngôi nhà khác ở đây đều là nhà xây dựng không phép”. Cũng như chị Trinh, ông Năm Ngọc, ông Nguyễn Văn Hai, ông Út Thành, cư dân của ấp 1, xã Vĩnh Lộc A thừa nhận căn nhà của họ đều xây dựng không phép từ năm 2004 và rất băn khoăn, không biết thời gian tới “số phận” những căn nhà này sẽ thế nào.
Tìm nguyên nhân từ gốc
Tính đến thời điểm này, theo thông tin từ UBND huyện Bình Chánh, thống kê sơ bộ đã có đến 500 trên tổng số 830 căn nhà xây dựng không phép đã bị tháo dỡ. Số nhà còn lại, UBND huyện tiếp tục vận động người dân tự tháo dỡ. Nếu người dân không tự giác tháo dỡ, huyện sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Hạn chót đến ngày 15/8 sẽ xử lý dứt điểm. Tương tự, ngày 30/7, UBND quận Gò Vấp cũng đã cưỡng chế, tháo dỡ gần 160 căn nhà xây dựng không phép tại ấp Doi (phường 15). Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tháo dỡ là việc phải làm, biết là sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhưng nếu cứ để cho dân lấn chiếm xây nhà không phép thì thành phố phải bỏ quy hoạch luôn”.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng thừa nhận, nguyên nhân để xảy ra hàng loạt những căn nhà xây dựng không phép chính là sự buông lỏng quản lý của địa phương trong thời gian dài. Cũng không loại trừ khả năng một số cán bộ thanh tra xây dựng tại địa phương có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay để người dân xây nhà không phép. Những hộ dân đang chờ tháo dỡ nhà xây dựng không phép tại tổ 18, khu phố 5A cho biết: “Khi bắt đầu dựng nhà tôn, phải chi cho “cò” 25 triệu đồng thì sẽ không có ai đến cản trở việc xây dựng. Sau đó, nếu tiếp tục xây cất nữa thì sẽ phải chi thêm”.
Theo luật sư Thái Văn Chung, để không tiếp diễn thực trạng này, cần phải có giải pháp mạnh là “đi đến tận cùng của tiêu cực”. Chính sự buông lỏng quản lý đã khiến “cò đất” lộng hành, người dân mất tài sản, Nhà nước phải tốn kém chi phí ra quân giải tỏa. “Về việc xử lý nhà không phép, chủ trương thì đúng, nhưng cái sai lớn nhất ở đây là cán bộ địa phương. Người dân không chấp hành nghiêm pháp luật thì phải chịu nhưng thiệt hại về mặt xã hội quá lớn. Mà thiệt hại đó thì lại bắt nguồn từ hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ cơ sở, kể từ cấp xã, quận và cả cấp thành phố”, luật sư Thái Văn Chung nói.
Bài và ảnh: Anh Đức