Một ngày sau khi Ukraine thông báo sẽ tham gia cuộc chiến thông tin bằng cách tạo ra một đội quân trực tuyến, Bộ Chính sách Thông tin của nước này đã gây tranh cãi với các hành động của mình.
Ukrain đang chiêu mộ một đội quân trực tuyến để chiến đấu trên mặt trận thông tin. |
Cơ quan này đã kêu gọi các blogger (thường là cá nhân hoặc nhóm, đưa thông tin lên mạng, chủ yếu cung cấp thông tin đề cập tới những chủ đề chọn lọc, được nhiều độc giả truy cập và có ảnh hưởng tới suy nghĩ của độc giả) thiết lập nhiều tài khoản để phát tán những thông tin có lợi cho Kiev.
Bộ cũng đã bắt đầu chấp nhận đơn xin gia nhập của những người có mong muốn phục vụ trong đội quân trực tuyến. Sau khi đăng kí, người tham gia sẽ nhận được một danh sách hướng dẫn làm cách nào để trở thành thành viên trong đội ngũ chiến đấu thông tin mạng. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là tạo tài khoản giả trên mạng xã hội càng nhiều càng tốt mà không bị phát hiện hay để nghi ngờ. Lời hướng dẫn cũng giải thích rằng những người tham gia nên tạo tài khoản bằng một email mới hoàn toàn sử dụng server (máy chủ) phương Tây.
Tờ hướng dẫn còn chi tiết việc đội quân trực tuyến này phải sử dụng tên thật để đăng kí, tạo danh mục bạn bè không có quá nhiều người và phải lựa chọn phần nơi ở là trong khu vực phía Đông Ukraine hoặc Crimea. Để cho các tài khoản mang tính xác thực hơn, Bộ Chính sách thông tin còn khuyên người gia nhập viết một vài bài viết cá nhân và bình luận những vấn đề khác không liên quan đến chính trị lên trang cá nhân của mình.
Bộ Chính sách Thông tin Ukraine được thành lập vào cuối năm 2014 nhằm mục đích tạo ra một mạng lưới an ninh thông tin trong đất nước. Đầu tháng 12/2014, Bộ thông báo thành lập Phòng chiến thông tin. Yury Stets – Bộ trưởng của Bộ Chính sách Thông tin cho hay “Bạn không cần những kẻ troll (người hay đăng các thông điệp gây tranh cãi tại một cộng đồng trực tuyến) để truyền tải sự thật cho cộng đồng cư dân mạng. Điều đó bất cứ ai dùng Internet thành thạo cũng có thể nhận ra. Chính vì vậy, chúng tôi cần phải tập hợp những người có ảnh hưởng tới mạng xã hội (những blogger) để đem sự thật đến cho độc giả của họ”.
Ukraine đang thực sự chú trọng vào cuộc chiến thông tin. Vào thứ 7 vừa qua, Kiev cho biết chính phủ nước này đã cấm cấp phép cho hơn 100 cơ quan báo chí được lưu hành tại Ukraine, trong đó gồm nhiều ấn phẩm như TASS, Rossiya Segodnya và tất cả các kênh truyền hình của Nga ngoại trừ Dozhd.
Trước động thái trên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích Kiev đã có hành vi phân biệt đối xử và hành động này chỉ là một phần trong chính sách muốn thay đổi chính kiến mà truyền thông tác động lên dư luận Ukraine. Người phát ngôn của Tổng thống Nga ông Dmitry Peskov cũng cho hay Moskva sẽ không đáp trả lại hành động của Kiev bằng cách hạn chế các ấn phẩm của truyền thông Ukraine: “Nga là một quốc gia mà tại đó các hoạt động truyền thông đều được thực hiện dựa trên pháp luật, và tất cả các phóng viên dù là người Nga hay người nước ngoài đều có quyền bình đẳng để thu thập thông tin”.
Hồng Hạnh (theo RT)