Không để công ty chứng khoán lạm dụng tiền của nhà đầu tư

Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đến ngày 15/1/2014, các công ty chứng khoán (CTCK) phải quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi của CTCK với tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư (NĐT).

 

Việc thực hiện quy định này nhằm tránh tình trạng các CTCK lạm dụng tiền tài khoản của NĐT vào các hoạt động khác; đồng thời giúp NĐT tránh được nguy cơ mất tiền oan khi CTCK thua lỗ và ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều CTCK than khó và tách bạch được hai khoản tiền gửi này. Hiện vẫn còn khoảng 75% các CTCK lập lờ tài khoản của NĐT với tài khoản của công ty.

 

Đề phòng rủi ro thanh khoản


Kết quả kiểm tra hoạt động của các CTCK từ năm 2010 đến nay cho thấy, không xảy ra tình trạng lạm dụng tài khoản tiền của NĐT tại các CTCK lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều NĐT đứng ngoài quan sát nhiều hơn là tham gia thị trường. Theo đó, nguồn thu của các CTCK cũng ngày càng eo hẹp. Chính vì vậy, trong năm vừa qua, đã có hơn 60% các CTCK làm ăn thua lỗ, trong đó có nhiều CTCK bị âm vốn sở hữu. Điều này đã khiến một số CTCK bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, thậm chí phải rời khỏi sàn niêm yết, bị đình chỉ hoạt động môi giới và ngừng hoạt động kinh doanh, như: CTCK Hà Nội, CTCK Trường Sơn, CTCK Cao Su, CTCK Tràng An, CTCK SME... và mới đây nhất là CTCK SBS.


 

Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

 

Khi một CTCK ngừng hoạt động, nhiều NĐT có nguy cơ bị mất tiền oan nếu không thì cũng phải “chờ dài cổ” mới lấy lại được tiền. Điển hình như trường hợp của CTCK SME khi công ty này ngừng hoạt động, các giao dịch rút, chuyển tiền của NĐT bị ngưng trệ. Trước đó, SME thông báo, chứng khoán của khách hàng sẽ được chuyển sang tài khoản mới mở tại Công ty Chứng khoán GoldenBridge (GBVS), nhưng tiền mặt thì NĐT vẫn phải chờ.


Tương tự, CTCK Tràng An cũng đã làm nhiều NĐT nhận “quả đắng” vì số tiền CTCK Tràng An đang nợ NĐT (được cho là lên tới 30 tỷ đồng) bên cạnh các khoản nợ ngân hàng, đối tác. Chị Mai - một khách hàng của CTCK Tràng An, cho biết hiện chị có nguy cơ mất gần 1 tỷ đồng mà không biết đòi ở đâu. Điều bực mình hơn, số tiền đó đã bị nhà môi giới thực hiện các lệnh mua bán mà không hỏi ý kiến chị. Chỉ đến giữa tháng 4/2012, chị Mai mới phát hiện được sự việc này.


Như vậy, có thể thấy, khá nhiều nhà đầu tư đã chủ quan khi nghĩ rằng tiền gửi tại các CTCK là tiền của mình và sẽ được đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, UBCK kiên quyết buộc các CTCK phải tách bạch tiền tài khoản của CTCK và NĐT. Sau thời điểm 15/1/2014, nếu không tuân thủ việc quản lý tách bạch hai tài khoản tiền này, CTCK sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí là có thể bị ngừng hoạt động.


UBCK cũng đang tính toán các chế tài xử lý theo hướng tăng nặng, để bổ sung vào dự thảo sửa đổi Nghị định 85/2010 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.


CTCK vẫn chần chừ


Theo phản ánh của các CTCK, quy định mới buộc CTCK phải thiết lập đồng thời hai hệ thống: hoặc khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng do CTCK lựa chọn, hoặc CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại, để quản lý tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng… Điều này không chỉ gây tốn kém, mà còn tạo thêm sức ép lên các CTCK, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.


Thực tế, việc áp dụng các sản phẩm quản lý tách bạch tài khoản do BIDV cung cấp thời gian qua, theo nhiều CTCK, đang bộc lộ không ít bất cập và gây khó khăn cho CTCK. Cụ thể, sản phẩm BIDV@Securities, tuy tách bạch được khoản tiền của NĐT với tài khoản thanh toán giao dịch chứng khoán của CTCK, nhưng lại không đáp ứng được nhiều nhu cầu giao dịch của khách hàng như: giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán… Điều này khiến CTCK đành phải tái sử dụng phương án tài khoản tổng tại ngân hàng…Trong khi đó, UBCK nghiêm cấm CTCK triển khai dịch vụ ứng trước tiền mua chứng khoán dưới mọi hình thức…


Đại diện UBCKNN, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, cho rằng, việc các CTCK “vượt rào” triển khai các dịch vụ trên trong thời gian qua đã dẫn tới rủi ro không chỉ cho chính CTCK, mà còn cho cả NĐT và thị trường. UBCK đã xử lý nhiều trường hợp CTCK cố tình triển khai các dịch vụ này. Sắp tới, UBCK sẽ tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động của các CTCK, nếu phát hiện trường hợp nào cố tình triển khai các dịch vụ này, UBCK sẽ áp dụng các chế tài xử lý.


Để thực hiện quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán, CTCK phải xây dựng hệ thống để đáp ứng cả hai phương thức quản lý tiền dưới đây để khách hàng lựa chọn. Phương án 1: CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền của khách hàng. Phương án 2: khách hàng của CTCK mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do CTCK lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán. Theo phương án này, CTCK và ngân hàng thương mại có thỏa thuận về cách thức xác nhận, phong tỏa số dư tiền và chuyển tiền thanh toán giao dịch chứng khoán của khách hàng.


Ông Sơn cho hay, ngoài BIDV đưa ra gói sản phẩm tương đối phù hợp, thì hiện nay còn có nhiều ngân hàng đã cung cấp dịch vụ này. Theo đó, các CTCK không có lý do gì từ chối, trì hoãn việc tách bạch tài khoản của mình và tài khoản của NĐT.


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN