Không chỉ có gạo mà nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực khác của nước ta đều có khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)đã kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ có phương án hỗ trợ đối với một số mặt hàng thuộc diện này.
Nợ xấu, ngân hàng “quay lưng”
Theo Bộ NN&PTNT, hiện ngành cà phê đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về vốn trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, lãi suất vay cao. Trong lúc đó, giá cà phê lên xuống bấp bênh. Thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp này chiếm thị phần kinh doanh cà phê từ 38 - 52% do họ có lợi về thị trường và vốn dài hạn có lãi suất thấp (chỉ từ 3 - 4% của các định chế tài chính nước ngoài cung cấp). Trong khi đó, theo Hiệp hội cà phê ca cao, tổng nợ xấu và có nguy cơ nợ xấu của ngành cà phê hiện nay lên đến 8.000 tỷ đồng (chiếm 60% tổng dư nợ của ngành cà phê), trong đó 600 tỷ đồng nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, còn lại là nợ các ngân hàng thương mại.
Cân sản phẩm cao su mủ cốm đã qua sấy hơi chân không tại Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ (Quảng Trị). Hồ Cầu |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, hiện nay, các ngân hàng gần như “quay lưng” lại với các doanh nghiệp cà phê, không dám cho vay để sản xuất và xuất khẩu. Một số doanh nghiệp cà phê đầu tư lớn ở các năm trước, nay có nguy cơ phá sản do thiếu thanh khoản, bị ngân hàng phong toả tài sản, không hoạt động được. Trong khi đó, giá cà phê hiện ở mức thấp và ngành cà phê đang còn tồn kho tới trên 200.000 tấn.
Ông Tám cho biết thêm, ngành cao su cũng không sáng sủa hơn khi đang gặp trở ngại lớn là một số mặt hàng cao su thiên nhiên có thuế suất khác nhau giữa các khu vực sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tuy là cùng sản xuất một loại sản phẩm nhưng doanh nghiệp ngoài khu chế xuất phải đóng thuế, còn doanh nghiệp trong khu chế xuất lại được miễn thuế. Vấn đề này đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su và Hiệp hội Cao su báo cáo với Bộ Tài chính.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng qua đạt 1,03 triệu tấn tương đương 2,21 tỷ USD, giảm 32% về lượng và 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Xuất khẩu cao su cũng chỉ đạt 710.000 tấn (tương đương với 1,68 tỷ USD giảm gần 18%). Giá cao su xuất khẩu hiện chỉ ở mức 2.393 USD/tấn, trong khi mức giá của năm ngoái là trên 2.900 USD/tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với mặt hàng cao su Việt Nam nhưng đang có xu hướng giảm mạnh so với năm 2012, cụ thể là giảm 10% về lượng và 25% về giá trị. |
Những bất cập trên đã làm năng lực cạnh tranh của cao su Việt Nam giảm so với những nước trong khu vực không có thuế hoặc thuế xuất khẩu thấp hơn. Các doanh nghiệp trong nước đang có xu hướng giảm hoặc ngưng sản xuất các chủng loại có thuế xuất khẩu cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài trong khu chế xuất tận dụng lợi thế được miễn thuế xuất khẩu tăng lượng cao su hỗn hợp xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngành hồ tiêu, điều hiện cũng gặp một số khó khăn như khả năng tiếp cận tín dụng của người nông dân hạn chế, lãi suất vay vốn cao; thủ tục hoàn thuế gia trị giá tăng cho các doanh nghiệp còn phức tạp. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn về tài chính, không trả được đúng nợ cho ngân hàng.
Kiến nghị hỗ trợ
Để các ngành hàng trên khắc phục được những khó khăn và ổn định sản xuất kinh doanh, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng Nghị quyết 02/2013/NQ-CP đối với mặt hàng cà phê, điều. Cụ thể là bổ sung hai mặt hàng này đã qua chế biến thuộc đối tượng được gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Tái cơ cấu các khoản vay trước đây của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê với thời hạn vay mới lên 5 năm. Miễn thuế xuất khẩu hoặc tạm dừng thu thuế các mặt hàng cao su thiên nhiên có mã HS sau: mủ cao su thiên nhiên đã hoặc chưa tiền lưu hoá, cô đặc bằng ly tâm (mủ latex HA và LA); cao su hỗn hợp, chưa lưu hoá ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá, hoặc dải và mủ các su ở các dạng khác.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Tài chính áp dụng hình thức “hoàn trước kiểm sau” thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn và có uy tín từ trước tới nay.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cà phê, bên cạnh giải pháp về tín dụng thì ngành nông nghiệp cũng cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề về quy hoạch, đầu tư đối với cây cà phê. Bởi thực tế, ngành nông nghiệp và các địa phương chậm tái canh trong khi diện tích cà phê già cỗi lớn nên năng suất, chất lượng cà phê kém.
Huyền Tím