Ngoài việc hỗ trợ trồng rừng, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 30a chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ đồng bào mua giống ngô lai, giống lúa, phân bón, trâu, bò. Tuy nhiên, do hỗ trợ thiếu định hướng nên người dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
Chỉ được hỗ trợ một lần
Ông Lệnh Thế Hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang khẳng định: “Giống ngô lai hỗ trợ cho đồng bào có nhiều ưu điểm và năng suất cao và bà con trồng rất tốt. Do đó, từ năm 2009 đến hết 2012, huyện đã dành khoảng 3 tỷ đồng hỗ trợ mua giống ngô lai và khoảng 4 tỷ đồng mua phân bón. Nhưng nếu cả huyện xác định cây ngô là cây chủ lực thì cũng không khó để nhận ra, với đặc điểm địa hình phần lớn là cao nguyên núi đá, độ dốc lớn, thiếu đất canh tác nên dù chuyển đổi và thâm canh tốt năng suất cây ngô cũng chỉ đáp ứng được lương thực có hạt cho đồng bào. Đó là chưa kể, mỗi hộ chỉ được hỗ trợ giống, phân bón có 1 lần cho diện tích chuyển đổi, còn những vụ tiếp theo buộc phải tự túc thì sẽ rất khó khăn cho họ”.
Cây ngô lai cho năng suất cao, nhưng không phải địa phương nào cũng trồng được. |
Việc thu hoạch cũng như buôn bán của đồng bào ở huyện Quản Bạ hiện nay đều diễn ra tự phát, mạnh ai lấy bán. Sau mỗi vụ ngô, các tư thương lại tìm đến người dân để thu mua. Tại thị trấn Quản Bạ cũng có hợp tác xã đứng ra thu mua ngô cho bà con. Tuy nhiên, ngay cả việc này cũng không liên quan gì đến chính quyền địa phương. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Lệnh Thế Hội thừa nhận điều này là sự thực. Việc hỗ trợ bò giống sinh sản, huyện cũng chỉ hỗ trợ con giống, còn lại việc mua bán bò sau đó hoàn toàn diễn ra giữa người dân và thương lái. Lý giải cho những việc này ông Hội cho rằng, do vốn hỗ trợ ít nên huyện không thể hỗ trợ theo hướng sản xuất hàng hóa và hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm.
Còn ông Chớ A Páo, Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, cây giống hỗ trợ cho bà con trồng là giống ngô lai bioxit 96 - 98 do huyện nhập khẩu, rồi giao về phát cho bà con. Ưu điểm của giống ngô này hơn hẳn giống ngô địa phương ở chỗ, thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn hơn 1 tháng và năng suất cũng cao hơn 10% giống ngô địa phương. Tuy nhiên, cây ngô cũng khó giúp bà con thoát được đói nghèo bền vững.
Thiếu định hướng
Cũng theo ông Páo, lãnh đạo xã cũng đã từng nghĩ đến cây cao su nhưng do khí hậu khắc nghiệt nên cây không thể sinh trưởng, phát triển được. Còn các loại cây trồng khác thì xã cũng chưa nghĩ ra. Rõ ràng, dù có vốn hỗ trợ sản xuất nhưng lãnh đạo chính quyền địa phương cũng loay hoay không biết phải làm thế nào cho hiệu quả, bền vững.
Theo chân các cán bộ xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Toản ở bản Khuổi Lè, hộ được hỗ trợ theo đề án 30a. Đầu năm 2013, gia đình ông Toản được hỗ trợ trực tiếp 1 tấn giống dong riềng cùng 8 triệu đồng tiền phân bón cho diện tích 5.000 m2. Ông Toản cho biết: “Khoảng cuối năm nay cây dong riềng sẽ cho thu hoạch. Nếu thuận lợi, suôn sẻ cả về thiên thời, địa lợi, cây dong riềng sẽ đem lại cho gia đình khoảng 50 triệu đồng (chưa tính chí phí)”.
Tuy nhiên, đấy là ông Toản nghĩ thế còn thực tế thì ngay cả cán bộ xã Giáo Hiệu cũng chưa dám nghĩ đến điều đó, bởi cái khó nhất cho cây dong riềng trên địa bàn xã bây giờ chính là đầu ra cho sản phẩm. “Những năm trước, khi cây dong riềng còn được trồng tự phát, trồng được bao nhiêu bán bấy nhiêu thì dễ. Bây giờ, toàn xã đã trồng tới gần 44 ha, thì việc tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho bà con vượt ngoài khả năng của lãnh đạo xã”, ông Hoàng Văn Vanh, Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu trăn trở.
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, trước đây, xã định hướng cho đồng bào trồng cây hồng không hạt, loại cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và dễ chăm sóc nhưng cây hồng không nằm trong đề án của Chương trình 30a nên không thực hiện được tại địa phương. Vì vậy, cây dong riềng chính là cây thế chân cho cây hồng nên mới dẫn tới tình trạng nêu trên...
Bài và ảnh: Minh Phúc - Song Mạnh