Khi nào nên nạo VA cho bé?

VA là viết tắt từ hai chữ Vegetations Adenoides - khối mô lympho hình tam giác, vị trí ở phía sau - trên họng mũi, có chức năng tạo miễn dịch cho cơ thể chống lại các mầm bệnh. Ở vị trí này VA thường xuyên tiếp xúc với các mầm nên chính VA lại hay bị viêm nhiễm trùng.

Theo BS Cao Minh Thức (Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh), muốn nạo VA cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng. Ở một số trẻ có chảy mủ tai, tái đi tái lại hoặc chảy mũi xanh kéo dài kèm nghẹt mũi, ho, thở miệng... cần phải đưa bé đến bệnh viện để khám và nội soi mũi họng, xác định VA của bé có cần phải nạo hay không?

Nếu chỉ định nạo VA đúng, nạo sạch khối VA viêm thì bé khỏe và sinh hoạt tốt hơn, nhất là trẻ ở lứa tuổi đi mẫu giáo.

Nạo VA ở trẻ em thường khoảng 20 tháng tuổi trở lên và thường dưới 5 - 6 tuổi. Thỉnh thoảng vẫn có bé lớn hơn từ 6 - 7 tuổi vẫn có VA tồn dư cần phải nạo. Bé nạo VA thì có thể xuất viện trong ngày và uống thuốc theo toa bác sĩ khoảng 5 ngày sau đó.

Sau khi nạo VA, trẻ sẽ giảm được một số triệu chứng ho, chảy mũi, thở miệng... hoặc chảy mủ tai tái đi tái lại. Sau nạo VA, có bé vẫn có thể mắc những bệnh như trên nhưng tần suất sẽ giảm đi rất nhiều. Cách phòng tránh để bé hạn chế được bệnh là phải giữ ấm cho trẻ, giữ gìn vệ sinh mũi họng, phải làm vệ sinh mũi họng thường xuyên. Tốt nhất khi bé có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên thì phải đến bệnh viện khám ngay.

M.M (st)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN