Tình trạng quá tải kéo dài ở các bệnh viện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế. Chuyện bệnh nhân chờ đợi lâu, cán bộ mỗi lần đi khám bệnh phải bỏ việc cả buổi và thái độ thiếu tận tình của một bộ phận y, bác sĩ vẫn còn là "điệp khúc" chưa có hồi kết ở các tuyến bệnh viện trong tỉnh Cà Mau.
Bác sĩ và bệnh nhân đều kêu ... khổ
Thông thường vào các ngày thứ hai, thứ ba và thứ sáu, các bệnh viện trong tỉnh tiếp nhận bệnh nhân bảo hiểm y tế rất đông. Bệnh viện đa khoa Cà Mau là nơi luôn chịu áp lực quá tải do bệnh nhân vượt tuyến. Ngày cao điểm trung bình một bác sĩ của khoa khám bệnh phải khám cho gần 100 bệnh nhân và với cách khám bệnh theo chạy theo số lượng như vậy thì ai cũng có thể đoán được chất lượng của việc chẩn bệnh. Tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, thiếu trang thiết bị phục vụ khám bệnh và việc thực hiện thủ tục hành chính chưa khoa học (in đơn thuốc, phiếu thanh toán tiền viện phí…) gây lãng phí lớn về thời gian.
Các bệnh viện tuyến trên luôn phải tiếp nhận một lượng bệnh nhân rất lớn. Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Phan Anh Trưởng, Phó trưởng Khoa khám bệnh thuộc Bệnh viện đa khoa Cà Mau, đang bận rộn khám bệnh trong một phòng khám dành cho đối tượng cán bộ và người cao tuổi. Phòng khám còn có 2 điều dưỡng trợ giúp bác sĩ làm nhiệm vụ đo huyết áp, đo tim, mạch và làm thủ tục hành chính cho bệnh nhân bảo hiểm y tế nhưng vẫn không xuể trước số lượng bệnh nhân dồn quá đông. Bên ngoài, hàng chục bệnh nhân mồ hôi nhễ nhại và với gương mặt mặt cau có và khổ sở. Bệnh viện bố trí vài chục chiếc ghế nhựa cho bệnh nhân ngồi chờ nhưng chẳng thấm vào đâu nên bệnh nhân kẻ đứng, người ngồi, đi lại lộn xộn, không khí ngột ngạt.
Ông V.V.H là một cán bộ làm việc ở cấp Sở của tỉnh Cà Mau, cứ nửa tháng ông đến bệnh viện tái khám và nhận thuốc để điều trị bệnh tiểu đường. Chờ gần hết buổi sáng vẫn chưa đến lượt tái khám, ông H bức xúc: Ở các bệnh viện tuyến trên quản lý chặt chẽ, mỗi lần bệnh nhân đến khám, máy cập nhật thông tin và lưu trữ bệnh án trong máy vi tính. Bệnh viện đa khoa Cà Mau là bệnh viện có quy mô lớn của tỉnh nhưng vẫn chưa áp dụng công nghệ này? Việc bố trí phòng khám chung cho cán bộ và người cao tuổi là chưa khoa học nên tách riêng ra để ưu tiên khám bảo hiểm y tế cho cán bộ thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thời gian công tác, làm việc của cán bộ các Sở, ban, ngành trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Lưu, 62 tuổi (cư ngụ ấp 4, xã An Xuyên, TP Cà Mau), đăng ký khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu tại Bệnh viện đa khoa TP Cả Mau. Ông cho biết: Từ nhà đến ra thành thị khám bệnh đường đi lòng vòng tốn kém còn hơn đi bác sĩ tư! Tôi đến khám và điều trị ngoại trú bảo hiểm y tế được 2-3 lần rồi mà bệnh vẫn chưa khỏi nên đành vượt tuyến lên bệnh viện tỉnh. Dù có đóng viện phí 50% , tôi cũng chấp nhận. Ông Lưu nhận xét: Khám bệnh ở đây tuy chờ đợi lâu nhưng tôi vẫn cảm thấy yên tâm hơn.
Bác sĩ Trưởng bày tỏ: Bệnh quá tải thường xuyên ở khu vực khám nội trú và khám ngoại. Bình quân mỗi ngày, khoa khám bệnh tiếp nhận từ 700-800 bệnh nhân; trong đó, có đến 80% bệnh nhân khám bệnh bằng Thẻ bảo hiểm y tế. Lượng bệnh ngày càng tăng và quá tải như vậy nhưng vấn đề bất cập là bác sĩ, điều dưỡng, phòng khám… không tăng nên các kíp trực đành chịu áp lực lớn. Bệnh viện có ý tưởng thành lập phòng khám dịch vụ (gồm các bác sĩ tự nguyện) khám, sàng lọc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế để giảm quá tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện nhưng bị Sở cấm, vì sợ gặp rủi ro bất trắc !
Khắc phục tình trạng quá tải để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Quá tải là một nguyên nhân làm giảm chất lượng khám, điều trị bệnh- điều này ai cũng nhìn ra. Để khắc phục, mỗi nơi vận dụng một cách làm khác nhau: bố trí thêm phòng khám, làm tăng giờ... Tuy vậy, các bệnh viện không khám bệnh ngày thứ bảy và chủ nhật cho đối tượng có Thẻ bảo hiểm y tế nên bệnh thường quá tải vào những ngày đầu tuần và cuối tuần.
Cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến y tế. Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Trần Thị Chính, PGĐ Bệnh viện đa khoa Cà Mau cho biết : Chúng tôi vận động cán bộ, bác sĩ và điều dưỡng làm tăng giờ và làm việc sớm vào buổi sáng. Thay vì quy định 7 giờ làm việc nhưng 6 giờ 30 phút ê kíp có mặt để giải quyết trước một bước vể khâu nhận bệnh, cho bệnh nhân bắt số chờ đợi, đo huyết áp, đo điện tim, hướng dẫn bệnh nhân đến các phòng chuyên khoa khám bệnh. Ngoài ra, điều dưỡng còn thực hiện một số thủ tục hành chính cần thiết cho bệnh nhân khám chữa, bệnh bảo hiểm y tế. Khi các khâu trên hoàn tất thì bác sĩ chỉ tập trung khám bệnh, kê toa cho người bệnh.
Hiện tại, vào buổi sáng, Bệnh viện bố trí 6 bàn khám (có 4 phòng khám nội BHYT), buổi chiều tăng cường thêm một phòng khám chuyên khoa tim, mạch nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau đã có Đề án trình Sở Y tế đầu tư xây dựng khu khám tập trung để giải quyết nhanh lượng bệnh khám BHYT trong ngày và giảm được nguồn nhân lực bác sĩ, điều dưỡng bố trí trải đều ở phòng khám chuyên khoa, bình quân mỗi phòng có 2-4 bác sĩ và điều dưỡng nên đẫn đến tình trạng thừa mà thiếu. Sở Y tế tỉnh phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh Cà Mau cấp Thẻ bảo hiểm y tế và chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu từ Bệnh viện đa khoa tỉnh sang Bệnh viện đa khoa thành phố và các huyện trong toàn tỉnh. Cách làm này nhằm khắc khục bước đầu tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh.
Đây là những giải pháp tích cực nhưng dù sao chỉ mang tính tình thế. Vì thực tế nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế và bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng yêu cầu điều trị cho các trường hợp mắc bệnh mãn tính ; do trang thiết bị và nguồn nhân lực còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu bác sĩ chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại.
Bác sĩ Huỳnh Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau nhận định: Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao. Thời tiết biến đổi thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh nhiều hơn ...Đó là các nguyên nhân khách quan. Còn một nguyên nhân khác là do công tác quản lý, bố trí nguồn nhân lực chưa hợp lý, chưa khoa học nên dẫn đến quá tải tại nơi khám bệnh nội trú cũng như làm cho tỷ lệ sử dụng giường bệnh cao, tăng nguy cơ sai sót về chuyên môn, nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tử vong cao.
Bs Việt đề xuất: Cần tổ chức tuyên truyền cho bệnh nhân ý thức đi khám chữa bệnh đúng tuyến, nhập viện ở tuyến nào thì điều trị ở tuyến đó là hợp lý nhất. Nơi thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu phải thực hiện sàng lọc chẩn bệnh chính xác. Nếu chưa cần thiết cho nhập viện thì chỉ định cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Nếu làm tốt khâu này chắc chắn sẽ giảm một lượng lớn bệnh nhập viện điều trị nội trú.
Bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến y tế. Người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh phải được phục vụ tốt nhất, điều trị bằng trang thiết bị y tế tốt nhất để bệnh nhân mau lành bệnh và xuất viện sớm không tái nhập viện mất thời gian và gây tốn kém chi phí điều trị. Khám và điều trị bệnh ngoại trú cho đối tượng bảo hiểm y tế cần tổ chức thực hiện tại các phòng khám khu vực, trạm y tế xã, phường.
Kim Há