Phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào khmer:

Kết quả của chính sách và mô hình giáo dục

Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo cho nhân dân, trong đó có đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã góp phần đưa trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Dồn sức cho sự nghiệp giáo dục

Trong những năm qua, công tác giáo dục - đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được đặc biệt quan tâm, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó mà đời sống người dân đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nổi bật. Với dân số khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,93% dân số toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến nay mặt bằng dân trí của đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên đáng kể, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ đã cơ bản hoàn thành, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được hình thành từ tỉnh đến huyện, số lượng học sinh, sinh viên và cán bộ giáo dục là người Khmer ngày càng tăng. Có được kết quả này trước hết là nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng, nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho đồng bào DTTS.

Lớp học chữ Khmer tại chùa Kỳ Son, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn-TTXVN


Theo Vụ Xây dựng hệ thống chính trị Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đến nay từ giáo dục mầm non đến trung học phổ thông có khoảng 264.000 học sinh, so với năm 2007 đã tăng lên hơn 139.000 học sinh. Hệ thống trường PTDTNT từ 19 trường ở cấp tỉnh và huyện năm 2007, đã lên tới 28 trường, 3 trường dân tộc PTDT bán trú năm 2015. Theo báo cáo của Vụ Địa phương 3 của Ủy ban Dân tộc, năm học 2013 - 2014 tỷ lệ huy động học sinh đến lớp trong đồng bào dân tộc Khmer đạt khá. Tỷ lệ học sinh ra lớp nhà trẻ khoảng 50%, mẫu giáo khoảng 70%, riêng trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt trên 96%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99%. Điều đáng nói là tỷ lệ học sinh, sinh viên DTTS bỏ học ngày càng giảm.

Đáng chú ý trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ cho đồng bào dân tộc là việc xây dựng các trường DTNT. Học sinh trường PTDTNT, ngoài việc được chăm lo nơi ăn chốn ở, học hành còn được hưởng mức học bổng và các chế độ hỗ trợ khác như: Miễn học phí và các loại lệ phí thi, tuyển sinh, tiền tàu xe nghỉ hè hoặc nghỉ Tết, hỗ trợ học phẩm, điện nước, bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục - Đào tạo. Một số địa phương đã nâng cấp trường PTDTNT thành Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Chất lượng và hiệu quả đào tạo của trường PTDTNT ngày càng được cải thiện, kết quả tốt nghiệp Trung học phổ thông của các trường đạt tỷ lệ cao. Điển hình như trường PTDTNT tỉnh Trà Vinh hơn 10 năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ Trung học phổ thông đều đạt từ 98% trở lên. Riêng tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trong hai năm 2012 và 2013 lên đến 100% và hai năm liền đều có học sinh dân tộc Khmer đỗ thủ khoa tốt nghiệp. Đến nay, hơn 1.000 học sinh của trường đã và đang là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng.

Không chỉ tập trung đào tạo kiến thức, ngành giáo dục vùng ĐBSCL còn giữ gìn và phát huy ngôn ngữ cho đồng bào Khmer Nam Bộ thông qua công tác dạy song ngữ Việt - Khmer. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 305 trường với gần 2.500 lớp và có hơn 59.700 học viên tham gia.

Phát huy quyết sách đúng đắn

Những kết quả trên đạt được là do có những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, như Quyết định 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010. Đây là quyết định mang tính đặc thù cho vùng về sự phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, dạy nghề, trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan đến đồng bào Khmer. Tuy là chính sách mang tính giai đoạn nhưng đã có tác động tích cực. Qua 5 năm triển khai đã đạt được chỉ tiêu đề ra về dự bị và cử tuyển học sinh dân tộc, xây dựng chương trình khung dạy tiếng dân tộc, đặc biệt nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường dân tộc nội trú…

Việc đào tạo song ngữ nhằm thực hiện chính sách về ngôn ngữ và chữ viết trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và nâng cao dân trí cho đồng bào Khmer. Nhờ có quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, việc dạy và học chữ Khmer đã có những kết quả thiết thực, đồng bào Khmer tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, từng bước nâng cao dân trí, phát triển giáo dục vùng dân tộc ở Tây Nam Bộ.

Vào năm 2013, trường Đại học Trà Vinh đã ra mắt khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer. Đây là khoa đầu tiên và duy nhất trong cả nước đào tạo chính quy các chuyên ngành thuộc các lĩnh vực nói trên cho đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Đến nay, với 51 cán bộ giảng dạy, trong đó có 17 cán bộ người Khmer, dù còn mới mẻ nhưng đã thu hút đào tạo gần 600 sinh viên các hệ cao đẳng, đại học và sau đại học. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận góp phần phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào, tạo nguồn nhân lực cho tiến trình phát triển của vùng ĐBSCL.

Những thành công trong công tác giáo dục - đào tạo cho đồng bào Khmer không chỉ là hệ thống đào tạo do nhà nước tổ chức quản lý mà còn có sự góp sức tham gia của các lớp học trong các chùa Khmer. Hầu hết các chùa Khmer trong vùng ĐBSCL (trên 400 chùa) đều có tổ chức các lớp dạy ngữ văn Khmer cho đồng bào DTTS. Có thể nói, việc phát triển giáo dục, nâng cao dân trí trong vùng đồng bào Khmer có sự đóng góp rất to lớn và thể hiện rõ vai trò của nhà chùa, các nhà sư phật giáo Nam Tông Khmer. Bởi Phật giáo Nam Tông Khmer có vị trí, vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer. Trong đó, nổi bật nhất là việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa dân tộc, đào tạo đội ngũ trí thức, tạo ra các hoạt động xã hội thiết thực, phát huy vai trò truyền thống đoàn kết. Do vậy, công tác giảng dạy và học tập chữ Khmer, giáo lý kinh Phật của Phật giáo Nam Tông Khmer luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi.

Hiện nay, hệ thống giáo dục Phật giáo Nam Tông Khmer được triển khai dưới 3 hình thức, gồm: Giáo dục tại các hệ thống trường chùa, tại các trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ và tại Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer. Những năm qua, các hình thức hoạt động đào tạo nói trên đã góp phần đáp ứng nguồn nhân lực đồng bào Khmer tham gia vào công tác giảng dạy ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổng thông và đồng thời còn tham gia làm việc các cơ quan ban ngành như: Y tế, Đài phát thanh - truyền hình, du lịch, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo… để góp sức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Anh Đức - Trung Hiếu
Xứng tầm với trường chuẩn quốc gia
Xứng tầm với trường chuẩn quốc gia

Với bề dày hơn 22 năm, trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Huỳnh Cương - ngôi trường đào tạo đội ngũ học sinh con em đồng bào dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng, luôn khẳng định mình bằng chất lượng vượt trội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN