Kết nối lòng tin của đồng bào bằng chính sách của Đảng, Nhà nước

Những năm qua, các già làng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước luôn hăng hái cùng chính quyền địa phương để đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Trao quà cho hội đồng già làng, người uy tín, gia đình chính sách.

Qua đó, việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đang từng bước mang lại hiệu quả tích cực.

Đầu tàu trong mọi hoạt động

Về huyện biên giới Bù Gia Mập, ai cũng biết khi nhắc đến Điểu B’lế (dân tộc S’tiêng), thôn Đặk Khâu, xã Phú Văn. Bởi ông là Già làng luôn được lòng người dân trong các phong trào hoạt động tại địa phương, tận tình hướng dẫn, động viên bà con trong vùng tích cực lao động sản xuất, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Ý thức được trách nhiệm của một Già làng, khi đời sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, tình trạng cầm cố sang nhượng đất diễn biến phức tạp, trẻ em trong thôn có nguy cơ bỏ học cao, ông xác định việc tuyên truyền, vận động phát huy hiệu quả, giúp người dân thôn, ấp hiểu, tin và làm theo, yếu tố gương mẫu phải đặt lên hàng đầu.

Già làng B'lế “Nói luôn đi đôi với làm”, gương mẫu trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tích cực vận động gia đình, người thân và người dân trong thôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động trẻ trong độ tuổi có dấu hiệu bỏ học trở lại trường và vận động các cặp vợ chồng trẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình". Bên cạnh đó, ông còn là một trong những thành viên tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở, bình xét hộ nghèo ở thôn; thường xuyên quan tâm, thăm hỏi đời sống của những hộ có hoàn cảnh khó khăn, để từ đó có hướng giúp đỡ kịp thời.

Ông Điểu Lên, dân tộc S’tiêng, ở thôn Bom Bo, xã Bình Binh, huyện Bù Đăng, được xem là nhân chứng sống về Sóc Bom Bo một thời. Ông luôn là “trung tâm” trong kho tàng kiến thức về lịch sử Sóc Bom Bo; đã trải qua bao nhiêu thăng trầm từ Sóc Bom Bo ngày xưa đến nay gọi là thôn Bom Bo.

Đối với già làng, những âm thanh nhạc cụ dân tộc S’tiêng như tiếng khèn, tiếng đờn tre rồi cả tiếng cồng, tiếng chiêng nuôi dưỡng tâm hồn ông từ tấm bé và sau này như những người bạn chia sẻ cùng ông những niềm vui, nỗi buồn, những vất vả mệt nhọc sau thời gian lao động sản xuất.

Không phụ lòng tín nhiệm của bà con trong thôn, ông trở thành “đầu tàu” trong mọi phong trào, hoạt động văn hóa ở địa phương. Ngoài việc cùng với cán bộ địa phương luôn tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ông còn giữ lại bản sắc dân tộc qua cồng chiêng, chóe rượu, chum… chỉ bảo cho các bạn trẻ về cách đánh công chiêng, lưu truyền cho mai sau.

Qua những việc làm thiết thực, già làng Điểu Lên ngày càng khẳng định uy tín không chỉ với riêng người dân Bo Bo, mà khắp trong cả vùng. Nói về già làng, anh Điểu Út, xã Bình Minh, chia sẻ: Già làng được mọi người quí mến. Mỗi lần có sự kiện về văn hóa của xã, huyện là không thể thiếu Già làng Điểu Lên.

Không những là trụ cột gia đình, già làng Điểu Lên còn thường xuyên bảo ban, động viên thế hệ trẻ phải biết cố gắng, chăm chỉ làm ăn, gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Cái gì tốt, có ích thì giữ lại, cái gì không phù hợp nên dần bỏ đi.

Mang lại luồng sinh khí mới

Già làng Hoàng Lợi ngụ tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, người dân tộc Nùng, đã mang lại luồng sinh khí mới cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Trước đó, năm 1976 phục viên từ chiến trường Campuchia trở về quê hương Cao Bằng, do cuộc sống khó khăn nên năm 1989 ông vào Bình Phước lập nghiệp.

Tại đây, ông tập trung tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế. Nhờ cách sống chân thật, giản dị nên dù sinh sống trên vùng đất mới, ông luôn được người dân tín nhiệm bầu vào nhiều chức vụ ở ấp, xã, là Già làng xã Tân Phước. Già làng Hoàng Lợi tâm sự: "Tuổi cao, sức yếu, đóng góp cho dân làng được gì thì cứ làm, bởi tâm huyết, lòng nhiệt thành của tôi là không bao giờ tắt. Bà con giúp nhau để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn".

Tân Phước là xã vùng sâu, vùng xa nên điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nơi đây có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với hơn 3.300 nhân khẩu, chiếm hơn 43% dân số toàn xã.

Dù đã 74 tuổi nhưng với sự nhiệt tình, năng động, gương mẫu, ông đã đến từng nhà, gặp gỡ từng người để lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con trong từng ấp, cùng nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, ông Lợi cùng các hội, đoàn thể của xã đã tích cực tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của cử tri, giúp người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bầu cử.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua đó, nhân dân đồng tình ủng hộ, hiến đất làm đường, tự nguyện góp tiền làm các tuyến đường tiêu biểu như: Tuyến đường từ ấp Cây Điệp đi Phước Tân dài 800m, Cây Điệp đi suối Da dài 800m, Cây Điệp đi Phước Tiến dài 1km, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng trị giá 900 triệu đồng...

Nói về những hoạt động, đóng góp của già làng Hoàng Lợi, ông Trần Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, cho biết kết quả hôm nay chính là một phần đóng góp của các già làng, trong đó có vai trò lớn của Già làng Hoàng Lợi. Trong thời gian qua, mọi phong trào của xã đều được ông Lợi tích cực tham gia vận động, được nhân dân nghe theo và triển khai thực hiện rất tốt. Giờ đây, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước triển khai trên địa bàn đều được bà con tham gia tích cực, đạt hiệu quả cao.

Không chỉ Điểu Lên, Điều Blế, Hoàng Lợi, rất nhiều già làng trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã và đang cống hiến bằng những việc làm thiết thực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết nối lòng tin của đồng bào bằng chính sách của Đảng, Nhà nước, gìn giữ bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Niềm vui lớn nhất của họ là luôn nhận được sự kính trọng, quý mến của mọi người, từ những việc làm thiết thực trong cuộc sống.

Bài và ảnh: K GỬIH (TTXVN)
Phát huy vai trò của già làng, người uy tín
Phát huy vai trò của già làng, người uy tín

Những năm qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều cách làm hay trong việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín nhằm xây dựng tốt hệ thống chính trị cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN