Người hùng của núi rừng
Năm 16 tuổi, già Cơ Lâu Năm tham gia du kích. Lúc chỉ 20 tuổi (năm 1960), Cơ Lâu Năm được kết nạp Đảng và gia nhập bộ đội B3 miền Tây Quảng Đà. Trận đánh lớn đầu tiên của già là vào sáng ngày 21/12/1960: Hôm ấy, già chỉ huy 9 du kích dùng ná, chông, hầm, bẫy đánh lui một tiểu đoàn của địch. Trận đánh này vẫn còn truyền miệng trong nhiều thế hệ cựu chiến binh người Cơ Tu ở Tây Giang.
Năm 1964, già giữ chức Đại đội phó, chỉ huy trận chiến 5 ngày đêm tại xã Kà Dăng. Rạng sáng 15/2/1964, địch nghỉ trưa tại đồi A Rang, thôn Men, xã Kà Dăng, già phát lệnh nổ súng, hạ ngay 2 chiếc trực thăng HU1A, diệt 4 phi công Mỹ, thu 2 khẩu đại liên. Địch tấn công trở lại. Suốt 6 giờ giằng co quyết liệt, đơn vị già hạ tiếp 2 máy bay, thu nhiều vũ khí. Ngày 19/2, địch tiếp tục đánh trả dữ dội. Trước tình thế nguy cấp, một mình già lọt vào khu vực đậu máy bay của địch, leo lên ngọn cây nổ súng làm cháy 2 chiếc HU1A và 1 chiếc phản lực, khiến địch không dám hạ cánh để chi viện quân.
Với chiến công này, đơn vị của Cơ Lâu Năm được tặng bằng khen Đơn vị Quyết thắng, cá nhân già được công nhận là Dũng sĩ diệt máy bay. Rồi những trận đánh như vào tháng 3/1964, tại Trung Mang (xã Ba, huyện Đông Giang ngày nay), đơn vị hạ 3 chiếc máy bay, tiêu diệt hàng chục tên địch. Trong trận đánh tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, phối hợp với các lực lượng địa phương, một mình già đã bắt sống được 2 tên Mỹ…
Gần 20 năm có mặt trong hơn 100 trận đánh tại các chiến trường khu 5, với những hành tích xuất sắc, già Cơ Lâu Năm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Góp sức cho quê hương
Rời quân ngũ trở về làng, anh bộ đội Cơ Lâu Năm làm Xã đội trưởng, Trưởng Công an, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng và hơn 15 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang. Nghỉ hưu, lại được dân Pơ’Ning tín nhiệm làm già làng.
Già nói: “Bất kỳ việc gì Đảng viên cũng phải xung phong đi trước thì dân mới đi theo”. Thôn Pơ’Ning bây giờ là thôn điểm của tỉnh Quảng Nam về phát triển văn hóa xã hội. Với “tham vọng” biến Pơ’Ning thành một làng điểm về văn hóa, đầu năm 2011, UBND tỉnh chi 300 triệu đồng, UBND huyện Tây Giang chi 50 triệu đồng, người dân xã Lăng góp thêm tiền, vật lực để dựng gươl. Đích thân già Cơ Lâu Năm nhận nhiệm vụ thiết kế, điêu khắc họa tiết. Đến ngày 2/9/2011, gươl được khánh thành, được coi là gươl đẹp nhất của Quảng Nam.
Trên cung đường Trường Sơn đi qua, dễ dàng nhận thấy những mái gươl Poopl Pâng lợp tôn như “đội mũ bảo hiểm”. Chỉ gươl của làng Pơ’Ning vẫn lợp tranh. Già Cơ Lâu Năm nói rằng: “Tục của Cơ Tu rằng muốn giữ cho tranh khỏi hư thì phải thường xuyên vào gươl nhóm bếp để khói ám vào tranh, tranh mới bền chắc được. Tôi lợp tranh cho gươl cũng là mong muốn cho người Pơ’Ning thường xuyên vào gươl nhóm bếp, để giữ gìn tục lệ lâu đời của người Cơ Tu”.
Già cũng kiên nhẫn hướng dẫn bà con áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh tăng năng suất cây trồng, từ bỏ cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy. Hiện, người Pơ’Ning đã thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, các cháu trong độ tuổi đến trường đều đi học đầy đủ... Kinh tế gia đình bà con Cơ Tu nào trong thung lũng Pơ’Ning này cũng phát triển, có nhà mua được cả máy xay xát và những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác.
Như lời ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, già Cơ Lâu Năm được coi là bảo tàng sống về văn hóa Cơ Tu. Già biết thổi khèn abel, biết thiết kế gươl, hiểu rõ những phong tục truyền thống của người Cơ Tu…“Bất cứ ai hỏi về văn hóa Cơ Tu, tôi bảo họ tìm ngay đến già Cơ Lâu Năm. Khi bản sắc Cơ Tu đang dần bị mai một, thì những người như già Cơ Lâu Năm là rất hiếm hoi. Người như già xứng đáng là tấm gương cho những người Cơ Tu trẻ tuổi bây giờ” - ông Briu Liếc nói.