Ngày 17/6, các nhà đàm phán Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã bắt đầu vòng thương thảo mới nhằm hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran.Đoàn đại biểu tại một cuộc họp với Iran tại Vienna hôm 12/6. Ảnh: AP |
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn nguồn từ hãng thông tấn chính thức IRNA (Iran) cho biết hai nhà đàm phán cấp cao nước này là Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi và Majid Takht-Ravanchi đã có cuộc gặp đầu tiên trong khuôn khổ vòng đàm phán hạt nhân lần thứ 8 với quan chức cấp cao phụ trách chính trị của Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid tại Vienna (Áo) vào chiều 17/6.
Theo IRNA, các nhà đàm phán Iran sẽ ở lại Vienna tới thời hạn chót ngày 30/6 nhằm cố gắng hoàn tất thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với các đại diện của Nhóm P5+1. Dự kiến, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và những người đồng cấp trong Nhóm P5+1 sẽ tham gia các cuộc đàm phán trong những ngày sắp tới.
Trong khi đó, cùng ngày, các nhà lập pháp Iran đã nhất trí thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo nhằm đưa một dự luật liên quan đến chương trình hạt nhân nước này vào chương trình nghị sự hàng đầu của Quốc hội (Majlis). Dự luật, dự kiến được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 21/6 tới, có thể gây cản trở đối với các nỗ lực đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng trước thời hạn chót ngày 30/6.
Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và An ninh quốc gia thuộc Majlis, Alaeddin Boroujerdi, dự luật trên nhằm mục đích "ủng hộ" các nhà đàm phán Iran trước các đòi hỏi "thái quá" của Mỹ và "bảo vệ các lợi ích quốc gia" của Tehran.
Văn bản này khẳng định tất cả kết quả đàm phán sẽ chỉ có giá trị nếu đáp ứng 3 điều kiện. Một là "dỡ bỏ hoàn toàn và đồng thời" các biện pháp trừng phạt của LHQ, Quốc hội Mỹ và EU "vào ngày thỏa thuận".
Hai là cấm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận tất cả các tài liệu, các nhà khoa học, các địa điểm quân sự hoặc an ninh, và các địa điểm phi hạt nhân nhạy cảm khác dưới bất kỳ lý do nào.
Ba là bác bỏ những hạn chế đối với việc tiếp cận các kiến thức và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran, cũng như các nguyên liệu cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).