Trong số này, dự án “Nâng cao năng lực của người dân góp phần phát triển kinh tế địa phương” do Ban Điều phối Viện trợ Nhân dân (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp Tổ chức Action Aid triển khai từ năm 2005 đến nay và tiếp tục mở rộng giai đoạn 2016 - 2020, đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Về thôn Lũng Lừa, xã Đa Thông, nơi có 82 hộ đồng bào Mông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những tiến bộ của đồng bào. Anh Vương Văn Đông, cán bộ Ban quản lý dự án, cho biết: Một năm trước, muốn vào thôn Lũng Lừa phải đi bộ một đoạn xa trên con đường mòn đầy đá hộc. Nay, đường xá đã được mở rộng và bê tông hóa. Đi từ Lũng Lừa về trung tâm xã, huyện đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Nhiều hộ nghèo ở Cao Bằng đã biết chăn nuôi để thoát nghèo. Ảnh: Quân Trang |
Anh Vương Văn Cam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phát triển cộng đồng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lũng Lừa, kể: “Con đường này là do dân tự góp công xây. Chúng tôi vui lắm vì đường dễ đi rồi, chở gạo, chở ngô ra chợ không vất vả nữa. Có nhà văn hóa, có Câu lạc bộ phát triển cộng đồng, chúng tôi được học cách chăn nuôi, trồng trọt, giữ gìn giống bản địa, lại biết thêm được những chính sách của Đảng về người dân tộc, về bình đẳng giới… Giờ đây, thôn chúng tôi không còn hộ đói nữa, phấn khởi lắm”.
Chị Lầu Thị Vàng (58 tuổi), Trưởng Ban dân cư thôn, cho biết: Năm 2005, chị tham gia lớp học xóa mù chữ dành cho người lớn tuổi, tiền thân của Câu lạc bộ Phát triển cộng đồng. Chị sinh hoạt ở câu lạc bộ đều đặn, vừa để chống tái mù chữ, vừa học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế nông nghiệp của các hộ dân, cùng nhau làm giàu, tiến bộ. Đến nay, gia đình chị đã không còn thiếu ăn, biết tích trữ nước dành cho những ngày khô hạn và biết trồng những giống cây trồng năng suất, hiệu quả cao như: Lạc, ngô, cỏ voi…
Còn chị Viên Thị Hoa cho biết: “Tham gia Câu lạc bộ là được thêm nhiều kiến thức lắm, biết nuôi lợn khỏe hơn, biết cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, con cái đi học đầy đủ. Tôi phấn khởi lắm”.
Vùng miền núi Cao Bằng khởi sắc. |
Ông Vương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông, Trưởng Ban chỉ đạo dự án tại huyện, cho biết: Từ năm 2005, Dự án phối hợp giữa Ban Điều phối Viện trợ nhân dân và Action Aid đã được triển khai tại huyện Thông Nông, với 5 dự án nhánh: Thúc đẩy các giải pháp sinh kế nông nghiệp bền vững; nâng cao năng lực người dân góp phần phát triển kinh tế địa phương; thúc đẩy các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các giải pháp chính trị cho phụ nữ và trẻ em.
Trong đó, Dự án nâng cao năng lực người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương được triển khai từ năm 2014 đến hết 2016 tại 5 xã với 17 nhóm phát triển cộng đồng, tương đương với số người hưởng lợi trực tiếp là 425 thành viên thuộc các câu lạc bộ cộng đồng. Sau 3 năm thực hiện, các thành viên đã học hỏi được nhiều kiến thức về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Một thành công nữa của dự án ở cấp vùng là các thành viên biết vận dụng việc phân tích ngân sách vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ông Vương Văn Thuận nhận định, việc mở rộng dự án đến năm 2020, sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, góp phần giúp Thông Nông hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nông nghiệp; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ; nâng cao nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội… Thông Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 5%…