Ngày 12/11, các đương sự và cơ quan có liên quan tỉnh Điện Biên đã nhận được Quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao số 378/2013/DS-GĐT về vụ việc tranh chấp đất đai tại tổ 5, phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ).
Theo nội dung Quyết định Giám đốc thẩm, TAND tối cao xét thấy trong suốt quá trình giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm tỉnh Điện Biên đã không đưa đủ các đương sự vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót; tòa án sơ thẩm và phúc thẩm tỉnh Điện Biên đã không thu thập đầy đủ chứng cứ về chủ thể, diện tích và áp dụng các điều luật có liên quan để giải quyết tranh chấp... Vì các lẽ trên, TAND tối cao tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 12/2010 của TAND tỉnh Điện Biên và bản án dân sự sơ thẩm số 02/2010 của TAND thành phố Điện Biên Phủ, giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Điện Biên Phủ xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ việc tồn tại, vướng mắc trong việc giao đất với 5 gia đình khu dân cư chân đồi A1 xảy ra năm 1996, khi UBND tỉnh Lai Châu (cũ) tổ chức qui hoạch, sắp xếp lại khu dân cư phục vụ cho việc di chuyển tỉnh. Sở Địa chính tỉnh Lai Châu phối hợp với UBND thị xã Điện Biên Phủ (nay là thành phố Điện Biên Phủ) qui hoạch lại, dịch chuyển các hộ từ phía sau lên gần mặt đường quốc lộ 279 cho phù hợp với qui hoạch đô thị. Sở Địa chính (nay là sở Tài nguyên-Môi trường) đã cấp Giấy tạm giao đất cho 5 hộ là ông Vũ Thế Đệ, bà Chu Thị Thìn, bà Nguyễn Thị Sinh, bà Khương Thị Huyền (con gái bà Sinh) và ông Nguyễn Minh với tổng diện tích mỗi hộ 90 m2, chiều rộng bám mặt đường 4,5 m.
Theo Báo cáo ngày 10/8/2011 của Thanh tra tỉnh Điện Biên thì “việc phối hợp giữa Ban chỉ đạo nhà đất, xây dựng và di chuyển tỉnh lỵ với Sở Địa chính và UBND thị xã Điện Biên Phủ thiếu thống nhất, dẫn đến tình trạng cấp trùng 2 quyết định vào một ô đất (hộ bà Thìn và ông Minh). Việc cắm mốc giao đất trên thực địa của UBND thị xã Điện Biên Phủ cho các hộ gia đình vì vậy mà chưa thực hiện được”.
Từ sai sót này, đã 18 năm qua gia đình bà Chu Thị Thìn không thể nhận phần đất giáp mặt đường của mình nên phải đi trên con đường cũ của xóm trước đây, qua phần đất mà trên lý thuyết là của hộ ông Đệ và hộ bà Sinh (theo Giấy tạm giao đất năm 1996, chưa giao trên thực địa). Do tranh chấp phần đất này từ nhiều năm qua, đến năm 2010, bà Sinh đại diện cho 2 hộ (bà Sinh mua lại đất của ông Đệ) đã khởi kiện bà Thìn ra tòa. Kết quả là theo bản án sơ thẩm của TAND thành phố và phúc thẩm của TAND tỉnh Điện Biên, gia đình bà Thìn đã mất con đường duy nhất đi vào ngôi nhà của mình.
Điều đáng chú ý là 2 bản án trên, căn cứ đưa ra xét xử chỉ dựa trên Giấy tạm giao đất của Sở Địa chính, trong khi các giấy này lại đang có “vấn đề”, vì vậy 5 hộ trên chưa nhận bàn giao mốc giới trên thực địa; cán bộ tòa án đã không xuống hiện trường để thẩm tra thực tế bởi con đường nhà bà Thìn đang sử dụng có lịch sử từ trước khi có Giấy tạm giao đất, đất này chưa bàn giao trên thực địa nên vẫn thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Gia đình bà Thìn và bà Lan (hộ bên cạnh) lại có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2005, trong đó thể hiện cả con đường đi trên, song tòa án lại chỉ căn cứ vào Giấy tạm giao đất của bà Sinh để xét xử.
Do không còn đường đi vào nhà của mình, gia đình bà Thìn đã nhiều lần gửi đơn tới chính quyền các cấp. Để giải quyết vụ việc trên, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức họp 5 hộ dân này và các cơ quan chức năng, thống nhất chia đều diện tích đất thực tế cho 5 hộ. Thực hiện Quyết định số 905 ngày 9/9/2011 của UBND tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ đã ban hành Quyết định số 667 ngày 15/9/2011 về việc thu hồi và hủy bỏ Giấy tạm giao đất của 5 hộ trên, giải quyết theo hướng điều chỉnh chia đều diện tích thực tế và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Trong khi chính quyền các cấp đang xử lý vụ việc, bà Sinh lại làm đơn kiện UBND thành phố về các quyết định hành chính. Ngày 11/9/2012, TAND thành phố xử cho bà Sinh thắng kiện, mà căn cứ chủ yếu dựa vào bản án sơ thẩm số 02/2010 mà tòa án này đã tuyên cách đây hơn 2 năm.
Theo Văn bản số 2333/UBND-TD ngày 30/11/2012 của UBND tỉnh Điện Biên gửi Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao: Quá trình xảy ra tranh chấp, khiến chính quyền địa phương các cấp thành phố Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên phải tham gia giải quyết giữa các hộ này diễn ra suốt từ năm 1997 đến nay. Nhưng trong khi “việc giải quyết tranh chấp đất của các hộ dân khu A1 đang được các cấp hành chính tập trung giải quyết thì cơ quan tố tụng lại thụ lý giải quyết và không có sự phối hợp... Phần nhận định của tòa án là diện tích đất trên của người khởi kiện đã sử dụng ổn định từ năm 1996 đến nay là chưa đúng với quy định của Luật Đất đai vì diện tích này liên tục xảy ra tranh chấp... Giấy tạm giao đất cho các hộ gia đình, tòa án coi như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa đúng...".
Chu Quốc Hùng