Gần đây, tôi về quê đi dự một số đám tang của hàng xóm và người thân thấy nhiều thủ tục trong việc tổ chức tang lễ hiện nay có nhiều rườm rà. Tuy thời gian tổ chức có được rút ngắn theo hương ước của làng, của xã nhưng không khí và các thủ tục khá cầu kỳ làm cho con cháu, người thân khá mệt nhọc. Xin dẫn ra đây một chi tiết mà chúng tôi không biết đó là văn minh hay hủ tục nữa.
Mỗi khi gia đình nào có người thân qua đời, bạn bè, thân bằng cố hữu đến chia buồn và phúng viếng. Từ lâu, chuyện phúng viếng trong đám tang đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số làng quê, người ta đã và đang dần làm cho nét đẹp ấy bị méo mó. Tôi chứng kiến ở những đám tang thôn quê, khi bạn bè, anh em đến phúng viếng mà có quan hệ với nhiều người con của người đã khuất thì họ sẽ làm bấy nhiêu chiếc phong bì và trang trọng đặt lên bàn thờ viếng người đã khuất. Nếu quan hệ với hai người con sẽ có hai phong bì, quan hệ với cả năm người con sẽ có cả năm chiếc của cùng một tên. Để ý, tôi mới giật mình đây là chuyện không chỉ của một gia đình, một đám tang mà ai ai đến viếng đám cũng làm như vậy. Hình như thủ tục này đã trở thành trào lưu ở làng quê rồi.
Ngẫm ra mới biết, tất cả chỉ vì mối quan hệ. Cũng thông cảm bởi con người ta sống trong nhiều mối quan hệ xã hội nên cũng phải làm như vậy. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là việc tạo ra nhiều chiếc phong bì trong lễ viếng như thế có khác nào người ta viếng “người sống” chứ có viếng người đã khuất. Đó là dịp để họ trả ân, trả nghĩa nhau chứ! Thật khó lòng phân định. Mà nghĩ cũng khổ, có người đến viếng đám tang, chẳng cần biết hay hỏi thăm xem người quá cố vì sao qua đời, thọ bao nhiêu tuổi, có đông con nhiều cháu hay không mà họ chỉ quan tâm đến việc đặt lên mâm lễ những chiếc phong bì tình nghĩa kia để cho người sống được thỏa lòng.
Thiết nghĩ, trong cuộc sống, đã là bạn bè, hàng xóm hay quan hệ xã hội, chúng ta không thiếu gì dịp hay cơ hội để trả nghĩa, đền ơn hay bộc lộ tình cảm. Nghĩa tử là nghĩa tận, đến chia buồn và động viên nhau là quan trọng và cần thiết. Nếu cứ biến tướng và thủ tục hóa chuyện phúng viếng và “trả nợ” các mối quan hệ thì e rằng một ngày không xa, chuyện thương mại hóa trong đám tang không còn là cá biệt. Nghĩ về chuyện này, tôi không biết đây là văn minh hay hủ tục?