Hợp tác an ninh Đông Á nhìn từ châu Âu

Khu vực Đông Á trong năm 2014 đang được so sánh ngày càng giống với châu Âu năm 1914: đó là một khu vực có sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, là nơi bị ám ảnh bởi sức mạnh quân sự và các cuộc chạy đua vũ trang cũng như đang ở bên bờ xung đột. Theo nhà nghiên cứu Michael Raska thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang, so sánh trên đang làm sống lại những tranh luận mới về khả năng có thể áp dụng không chỉ mô hình và kinh nghiệm của châu Âu trong xây dựng an ninh hợp tác mà còn là sự can dự chiến lược lớn hơn của Liên minh châu Âu (EU) tại Đông Á.

 

Quân đội Nhật Bản diễn tập tại căn cứ huấn luyện Narashino ở quận Chiba, ngoại ô thủ đô Tokyo ngày 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN


Ông Raska cho rằng bối cảnh chiến lược hiện nay ở Đông Á ngày càng trở nên phức tạp bắt nguồn từ những vấn đề an ninh truyền thống tập trung vào việc duy trì răn đe và quốc phòng, cũng như hàng loạt thách thức an ninh phi truyền thống, từ môi trường, năng lượng và an ninh con người, tới các vấn đề an ninh mạng.


Nguyên nhân chính gây căng thẳng trong khu vực nằm ở vấn đề di sản lịch sử chưa được giải quyết, sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc và tranh chấp lãnh thổ leo thang. Những điểm nóng an ninh chủ yếu ở Đông Á như bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như sự cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ đang làm tăng tốc quá trình hiện đại hóa quân sự trong khu vực và phổ biến những hạ tầng và công nghệ vũ khí hiện đại.


Bất chấp sự thịnh vượng kinh tế cũng như vai trò ngày càng quan trọng trong ngoại giao toàn cầu của Đông Á, thách thức chủ yếu của nó vẫn còn nguyên: đó là xây dựng thêm các thể chế chính trị thẳng thắn và đáng tin cậy, có khả năng chuyển đổi nhanh chóng những tín hiệu cảnh báo sớm thành chính sách rõ ràng. Nói cách khác, dựa vào các cơ chế an ninh đa phương hiệu quả sẽ không chỉ củng cố các thỏa thuận an ninh khu vực hiện hành, mà quan trọng hơn, còn đảm bảo hòa giải, hợp tác và hòa bình ổn định trong tương lai. Trong bối cảnh đó, sự chuyển đổi an ninh của châu Âu từ phòng vệ tập thể sang an ninh hợp tác có thể là mô hình để Đông Á học tập.


Tuy nhiên, trong hơn thập kỉ qua đã có nhiều tranh cãi về khả năng áp dụng mô hình và kinh nghiệm của châu Âu trong tiến trình xây dựng các cơ chế an ninh đa phương rõ ràng ở Đông Á. Quan điểm chủ đạo là những khác biệt lịch sử, khoảng cách địa lí, và môi trường an ninh ở Đông Á và châu Âu là rất khác nhau. Vì thế, bài học châu Âu về xây dựng an ninh hợp tác không thể đơn giản là bê nguyên vào xây dựng an ninh Đông Á.


Thứ hai, cấu trúc thể chế trong các tổ chức châu Âu không phù hợp với văn hóa chính trị chủ đạo ở Đông Á. Tiến trình hội nhập của châu Âu đang bị xem là quá mang tính luật pháp, chính thức và dựa trên quy định. Trong khi với các nước Đông Á, xây dựng đồng thuận và thảo luận không chính thức là nền tảng trong cách tiếp cận về hợp tác an ninh khu vực. Thứ ba, tiến trình hội nhập các cơ chế an ninh hợp tác của châu Âu và nhận dạng tập thể đã có khởi điểm mạnh mẽ, với nỗ lực xây dựng cộng đồng từ lâu, mức độ gắn kết văn hóa cao, và các mạng lưới kết nối thể chế, văn hóa và xã hội dày đặc, trong khi Đông Á lại không có bất kì đặc điểm nào như vậy.


Dù vậy, kinh nghiệm phong phú của châu Âu trong chính sách ngoại giao phòng ngừa thông qua “văn hóa đối thoại”, các sáng kiến kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng niềm tin vẫn thích hợp với việc xây dựng các khuôn khổ an ninh đa phương khu vực theo “kiểu châu Á”. Củng cố các kết nối Á - Âu, có thể được xem là “nền tảng an ninh tích cực”, mang lại lợi ích đáng kể cho cả châu Á lẫn châu Âu.


Việt Hải (P/v TTXVN tại Singapore)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN