Thợ may 29 tuổi Romeo Doe, người đã sống sót sau khi mắc virus Ebola tại Liberia đang gặp nhiều vấn đề sức khỏe được cho là do tác động của dịch bệnh đã khiến 7 thành viên trong gia đình anh thiệt mạng.Kể từ khi Doe rời trung tâm điều trị Ebola tại thủ đô Monrovia vào tháng 11/2014, tình trạng thị lực của anh ngày càng xấu đi. Đây cũng là điều mà các bác sĩ đã phản ánh và cho biết thêm nó là triệu chứng rất phổ biến ở các bệnh nhân sống sót sau dịch Ebola tại Tây Phi.
Romeo Doe tại một trung tâm điều trị ở Monrovia. |
Một số người đã phàn nàn về những hậu quả để lại sau khi họ khỏi bệnh Ebola, và tình trạng này được các bác sĩ đặt tên gọi là “hội chứng hậu Ebola”.
Doe cho biết: “Kể từ khi xuất viện tôi luôn thấy đau mắt. Bạn thấy đấy, mắt tôi đỏ hoe. Tôi muốn chính phủ hỗ trợ để có thể trở lại cuộc sống bình thường”.
Dịch Ebola đã khiến 9.000 người trên khắp Guinea, Liberia và Sierra Leone thiệt mạng. Tỉ lệ tử vong khi mắc virus Ebola là khoảng 60%. Một vài người qua khỏi đã gặp phải vấn đề liên quan đến thị lực, đau khớp, rụng tóc, mất trí nhớ và căng thẳng thường xuyên.
Hãng tin CNN ước tính số người sống sót tại Liberia sau khi mắc virus Ebola là từ 15.000 người. |
Margaret Nanyonga, bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân Ebola tại thị trấn Kenema ở Sierra Leone đã chứng kiến nhiều trường hợp người bệnh bị mất thị lực và khoảng một nửa trong số những người hồi phục bị suy giảm sức khỏe.
Nhiều bác sĩ không thể xác định các hội chứng này sẽ kéo dài bao lâu. Cũng không có tài liệu khoa học hoặc ghi chép y tế về số lượng bệnh nhân mắc phải hội chứng này.
Dan Kelly, người thành lập tổ chức phi lợi nhuận Wellbody Alliance đồng thời là bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm, nhận định rằng tình hình có thể trở nên phức tạp bởi các dữ liệu y tế nhiều thiếu sót khiến việc tách bạch giữa hội chứng mới và tình trạng bệnh đã xuất hiện trước đó trở nên khó khăn.
Trả lời phỏng vấn Reuters, Kelly cho biết một vài hội chứng hậu Ebola dường như có liên quan tới rối loạn miễn dịch trong khi một số bệnh nhân khác có hội chứng giống với uveitis- căn bệnh nhiễm trùng mắt dẫn tới mù lòa.
Ebola giống như nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân yếu đi, khiến họ dễ bị mắc bệnh khác.
Nhân viên Chữ thập Đỏ chuyển một nạn nhân tử vong vì virus Ebola ở Monrovia. Ảnh: AFP-TTXVN |
Khi Korlia Bonarwolo rời trung tâm điều trị Ebola tại Monrovia vào năm ngoái. Mẫu máu của anh có kết quả âm tính với virus Ebola nhưng anh lại mắc phải hai căn bệnh khác đe dọa đến tính mạng là sốt rét và viêm phổi.
Tuy nhiên, nhân viên y tế 26 tuổi này lại cho rằng nguyên nhân là do quá trình điều trị y tế có phần chưa tốt và không hiệu quả chứ không hẳn là liên quan tới việc nhiễm Ebola.
Vậy nhưng Ben Neumann, một chuyên gia về virus tại Đại học Reading ở Anh, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Ebola, nhấn mạnh rằng virus Lassa - cũng đến từ Tây Phi và có thể gây ra tình trạng bệnh tương tự như Ebola - cũng có những ảnh hưởng tới sức khỏe về lâu dài.
Ông Neumann nhận định: “Những người sống sót sau khi mắc Lassa thường có dấu hiệu loạn thần kinh, giảm thính lực. Sẽ thật ngạc nhiên nếu một căn bệnh nguy hiểm như Ebola lại không có hiệu ứng kéo dài”.
Hiện ảnh hưởng giữa Ebola và rối loạn thần kinh vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Một người bạn của Bonarwolo cũng sống sót sau khi mắc Ebola đã có những triệu chứng bệnh thần kinh sau đó.
Một vài ảnh hưởng hậu Ebola đã được báo cáo trong các lần bùng phát dịch trước đó kể từ khi căn bệnh này được phát hiện lần đầu vào năm 1976, với tỉ lệ tử vong cao. Điều này đồng nghĩa sẽ có ít người sống sót hơn để thực hiện các cuộc nghiên cứu.
Vì vậy đợt bùng phát lần này cũng là cơ hội tốt để tìm hiểu sâu về virus Ebola, Kelly nói: “Chúng ta cần đồng hành cùng những người khỏi bệnh ngay khi họ rời các trung tâm điều trị”.
Hà Linh (Theo Reuters)