Cách đây hơn một năm, một bé trai 2 tuổi ở ngôi làng hẻo lánh thuộc Guinea tử vong vì một căn bệnh mà chưa ai trong làng từng biết đến. Virus Ebola từ đó đã lây lan một cách chóng mặt, hoành hành ở khu vực Tây Phi, khiến cả thế giới sống trong nỗi hoảng sợ.
Ước tính 7.600 người đã chết, hàng nghìn người nhiễm bệnh. Trên mặt trận chống virus chết người này, đội ngũ y bác sĩ làm việc không mệt mỏi, quên tính mạng của bản thân để đối phó với dịch. Họ được coi là những “đấu sĩ” chống dịch Ebola.
Dịch Ebola năm 2014 đã sinh ra nhiều anh hùng thầm lặng. |
Ở ngoại ô thủ đô Monrovia của Liberia có khuôn viên của hội truyền giáo Thiên chúa mang tên Eternal Love Winning Africa (tạm dịch: Tình yêu vĩnh cửu dành cho châu Phi - ELWA), gồm một trường học, một đài phát thanh và một bệnh viện. Chính tại nơi này, bác sĩ Jerry Brown, giám đốc bệnh viện, lần đầu tiên nghe tới cái tên virus Ebola đáng sợ hồi tháng 3/2014. Bệnh nhân nhiễm căn bệnh chết người và hiếm gặp xuất hiện ngày càng nhiều tại bệnh viện, khiến bác sĩ Brown và đồng nghiệp vô cùng hoảng sợ.
Ngay cả trong những ngày thường, bác sĩ ở đây cũng đã luôn bị bệnh nhân vây quanh với hàng ngàn câu hỏi cần trả lời. Nhưng chính các bác sĩ cũng có hàng nghìn câu hỏi về dịch bệnh bí ẩn này. Không thể giải đáp, bác sĩ Brown và bệnh viện trước mắt chỉ biết dồn sức vào những gì họ có thể làm. Sau khi biết rằng Ebola không lây qua không khí mà chỉ lây qua tiếp xúc với dịch của bệnh nhân, bác sĩ Brown đã quyết định cách ly bệnh nhân Ebola với toàn bộ khu vực còn lại của bệnh viện, yêu cầu nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ. Nhưng cũng như các bệnh viện khác ở Liberia, bệnh viện của ELWA không có khu vực cách ly riêng và họ phải dùng nhà nguyện để cách ly bệnh nhân. Trong những ngày đó, họ phải chiến đấu hết sức để giành giật mạng sống của bệnh nhân từ tay thần chết.
Nhưng không phải bác sĩ nào, y tá nào cũng thành công. Nhiều người đã hi sinh trong cuộc chiến khốc liệt này. Hàng trăm nhân viên y tá đã chết vì Ebola, gây ra một tổn thất lớn cho ngành y tế toàn cầu, nhất là trong cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy.
Những người còn lại, có người bỏ cuộc, nhưng cũng có những người không đầu hàng, như nữ y tá trưởng Josephine Finda tại một bệnh viện ở Sierra Leone. Bà đã chứng kiến 15 y tá trong bệnh viện lần lượt ra đi trong dịch Ebola nhưng vẫn kiên trì bám trụ tại bệnh viện, cho dù con cái, người thân ra sức can ngăn. Bà khẳng định chỉ ngừng làm việc khi nào bà không còn cần thiết nữa.
Trong khi ELWA tăng tốc chống Ebola ở Liberia từ tháng 3, ở nước láng giềng Guinea, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã tiếp nhận ca bệnh Ebola đầu tiên từ tháng 2. Thời gian đó, bệnh nhân đã bắt đầu đổ về bệnh viện của MSF với triệu chứng sốt cao. Bệnh viện của MSF tại Gueckedou, vốn là nơi điều trị bệnh sốt rét, là cơ sở y tế hiện đại gần nhất với tâm dịch tại Guinea.
Đến với bệnh viện của MSF, người ta có thể gặp cảnh các y tá như Salome Karwah luôn túc trực quanh giường bệnh nhân, tắm cho họ, cho họ ăn. Cả gia đình cô nhiễm Ebola và chỉ mình cô sống sót. Cô tâm sự: “Dường như Chúa đã cho tôi cơ hội thứ hai để giúp đỡ mọi người”.
Ella Watson-Stryker 34 tuổi, một nhân viên thuộc MSF nhớ lại: “Guinea khiến tôi rất đau lòng… Có những lúc mà trong một tuần chúng tôi chứng kiến tới 9 đám tang”. Ella là một thành viên trong nhóm phản ứng nhanh của MSF được lập ra với nhiệm vụ lần theo dấu vết bệnh nhân, về gia đình, cộng đồng của họ để nâng cao nhận thức cho người dân về dịch bệnh.
Tuy nhiên, công việc của họ không hề dễ dàng vì phải đơn thương độc mã ra “mặt trận” Ebola khi mà các tổ chức cứu trợ khác rút hết nhân viên về nước. Khi tới các cộng đồng địa phương, tiếp đón họ là một thái độ nghi kị, thù địch. Ella kể: “Bạn nhìn thấy nỗi sợ trên gương mặt người dân. Họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Sự thù địch của cộng đồng địa phương là do họ nghĩ MSF đến để giết họ nhằm dập dịch Ebola. Một lái xe của MSF nói với Ella rằng bố anh đã không nói chuyện với mình vì anh liên quan tới MSF. Xe ô tô của Ella từng bị ném đá tới vài lần. Khi cô vào một ngôi nhà nọ, một người đàn ông ra đón cô với một con dao giắt bên người. Ella đã phải thuê người Guinea xâm nhập các làng và báo cáo tình hình dịch bệnh cho cô. Nhờ đó, cô và MSF mới biết rằng các làng đang bị Ebola hoành hành dữ dội.
Ngoài những “đấu sĩ” trực tiếp trên mặt trận, còn có những người không phải là nhân viên y tế cũng đang thầm lặng đóng góp cho cuộc chiến chống Ebola. Một trong số đó là Mohammed Sankoh Yillah, một nhân viên xã hội ở Sierra Leone. Anh bị nhiễm Ebola từ em gái là y tá Mbalu Fonnie. Em gái chết nhưng Yillah lại sống sót.
May mắn này đối với Yillah như một điều thần kỳ và đã thôi thúc anh cùng đồng nghiệp khởi động một dự án nghiên cứu mới với hi vọng giải mã được bí ẩn Ebola đang khiến các nhà khoa học đâu đầu: Tại sao có bệnh nhân bị rất nặng trong khi có người lại vượt qua được? Dự án nhằm thu thập thông tin về những người sống sót sau khi nhiễm Ebola. Họ sẽ được xét nghiệm để tìm xem trong máu của những người như Yillah có loại kháng thể nào giúp anh qua mặt được “tử thần Ebola”.
Trong khi khó có thể biết bao giờ Ebola mới biến mất khỏi Trái Đất, những “đấu sĩ” vẫn thầm lặng lao động miệt mài, cống hiến sức lực cứu chữa bệnh nhân ở Tây Phi và kiềm chế dịch, để toàn bộ những khu vực còn lại của thế giới có thể được ngủ yên giấc mà không phải lo Ebola gõ cửa. Với những cống hiến, hi sinh không mệt mỏi đó, họ đã được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm” 2014.
Thùy Dương