Hoạt động của các Ban Chỉ đạo

*Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, năm 2013 chính sách phát triển giáo dục dân tộc và chính sách đối với các trường bán trú được triển khai tích cực. Chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp trên địa bàn từng bước được nâng lên. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên đáng kể. Mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 63,4%. Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho người lao động đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng còn 22,5%, giảm 3% so với năm 2012. Thực hiện công tác an sinh xã hội, năm 2013 đã có 114 đơn vị, doanh nghiệp cam kết ủng hộ các tỉnh trong vùng trên 543 tỷ đồng, trong đó hệ thống ngân hàng cam kết ủng hộ trên 454 tỷ đồng, đã giải ngân gần 300 tỷ đồng.


* Trong năm 2013 Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tập huấn công tác tôn giáo cho cán bộ cơ sở xã, phường tại tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang và Hà Giang. Phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, khảo sát đánh giá thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh, sử dụng đất lâm nghiệp của các lâm trường quốc doanh tại một số địa phương trong vùng. Khảo sát tình hình di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao; rà soát quy hoạch và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển cây cao su vùng Tây Bắc. Kiểm tra tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào tái định cư các dự án thuỷ điện. Tổ chức thăm hỏi một số hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái và Sơn La.


*Vừa qua, tại Kon Tum, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Kon Tum, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Tư vấn phát triển cùng các đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 đã phối hợp tổ chức Hội thảo Tây Nguyên-Thực trạng và thách thức trong phát triển bền vững. Hội thảo là cơ hội để đại diện các bên liên quan bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp chiến lược nhằm phát triển Tây Nguyên trong thời gian tới. Một số giải pháp, phân tích và đưa ra một số đề xuất về định hướng, cơ chế chính sách nhằm góp phần phát triển bền vững Tây Nguyên. 


* Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL sẽ nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gặt, sấy lúa đông xuân lên 100% và 80% trong vụ hè thu và thu đông. Để hoàn thành kế hoạch trên, từ nay các tỉnh ĐBSCL sẽ chuyển giao cho nông dân các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, ít rơi rụng trong quá trình thu hoạch. Khuyến khích các thành phần kinh tế chế tạo các loại máy gặt đập, máy sấy phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của nông dân. Mở rộng diện vay cho nông dân vay tiền mua máy gặt, máy sấy. Các tỉnh vận động nông dân thực hiện các biện pháp san phẳng mặt ruộng, mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn, thu hẹp việc sản xuất nhỏ lẻ nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng. 


* Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, Tạp chí Kinh tế và dự báo thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tổ chức hội nghị kinh tế nông nghiệp “Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Sóc Trăng năm 2014. Hội nghị sẽ được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đưa vào chương trình MDEC-Sóc Trăng 2014, dự kiến được tổ chức từ ngày 5-7/11/2014 tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.


V.Tôn - Quang Vũ- Cao Nguyên - Thế Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN