Ngày 24/6, tại Vĩnh Phúc, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai Chiến lược công tác dân tộc và 3 năm thi hành Nghị định 05/2011/NĐ - CP của Chính phủ về công tác dân tộc. Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo một số tỉnh và Ban dân tộc của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Xây dựng nhiều chính sách mới
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Xuân Lương, thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, năm 2014, UBDT đã tổ chức triển khai và xây dựng 20 đề án. Trong đó, có 7 đề án đã được ban hành, bao gồm các đề án về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn; sửa đổi chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người và đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Bên cạnh đó, là 13 đề án được xây dựng mới, gồm: Phát triển nguồn nhân lực; điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số Việt Nam; xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng bảng danh mục thành phần dân tộc thiểu số Việt Nam; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; tổ chức Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số lần thứ 2...
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương phát biểu tại hội nghị. |
Các bộ, ngành cũng đã xây dựng hàng chục đề án và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thông tin tuyên truyền vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn biên giới, hải đảo; đánh giá thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, quy hoạch quỹ đất sản xuất và đề xuất các chính sách giải quyết đất sản xuất cho đồng bào; thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ vùng dân tộc thiểu số…
Tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng đã có kế hoạch triển khai 426 nhiệm vụ gồm nhiều lĩnh vực như: Tuyên truyền vận động, giáo dục đào tạo, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát huy bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, hỗ trợ pháp lý, y tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tại hội nghị, ở cấp độ địa phương, các cấp chính quyền vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược, hoặc kế hoạch chưa bao quát hết quan điểm, nhiệm vụ của chiến lược, chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; một số địa phương còn chưa xây dựng xong kế hoạch…
Triển khai cụ thể, sâu rộng
Đánh giá kết quả sau 3 năm thi hành Nghị định 05, các đại biểu tham gia hội nghị khẳng định: Việc triển khai Nghị định đã góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào; tạo điều kiện cho công tác dân tộc có nhiều bước phát triển đột phá, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy được giá trị nội lực, tiếp tục vươn lên trên hành trình xóa đói giảm nghèo, làm giàu, đồng thời tham gia xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, cũng theo các đại biểu, do chính sách dân tộc được quy định rải rác trong nhiều văn bản khác nhau, thuộc nhiều bộ, ngành quản lý; nhiều chính sách nằm trên cùng một địa bàn nhưng riêng lẻ, phân tán, khó lồng ghép; các chính sách chỉ mang tính giai đoạn… nên hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa ổn định và thiếu bền vững.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhóm chính sách tại Nghị định 05 chưa chặt chẽ, chậm, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện. “Do Nghị định 05 là nghị định khung, nên các chính sách còn quy định chung chung; các văn bản nằm rải rác nên khó xây dựng các chính sách mới”, một đại biểu chia sẻ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh: Sau 3 năm triển khai Nghị định 05 và Chiến lược công tác dân tộc, đã góp phần phát huy được tiềm năng của vùng dân tộc, thay đổi được nhận thức về công tác dân tộc.
Cùng với đó, những bất cập trong công tác dân tộc cũng bộc lộ rõ như khoảng cách giàu - nghèo giữa vùng dân tộc và các vùng khác trong cả nước ngày càng “roãng” ra, nguồn lực bố trí cho vùng dân tộc không đủ; chính sách nhiều gây chồng chéo, dàn trải trên nhiều lĩnh vực; việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng còn nhiều chồng chéo, đòi hỏi các bộ, ngành phải ngồi lại để bàn bạc kỹ về những bất cập, hạn chế về công tác dân tộc để tháo gỡ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương, quá trình triển khai thực hiện Chiến lược và Nghị định sẽ còn gặp nhiều khó khăn do những diễn biến mới trong vùng dân tộc, đặc biệt là việc đồng bào ngày càng bị mất đất và không gian sinh tồn, có nhiều chính sách dân tộc, nhưng do nguồn lực không đủ, nên chưa phù hợp với sự phát triển của từng vùng dân tộc…
Để khắc phục tình trạng trên, theo Thứ trưởng, cần xây dựng những dự án, mô hình cụ thể cho từng địa phương, từng vùng, tiến tới xây dựng chính sách có mục tiêu cụ thể hơn; giao quyền cho các địa phương trong việc lồng ghép các nguồn vốn chính sách.
Bài và ảnh: Trọng Thủy