Chương trình hợp tác cam kết hỗ trợ cho 7 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông. Chương trình sẽ hỗ trợ nhằm tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh thông qua tập huấn thường kỳ cho cán bộ y tế về chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh, chăm sóc kiểu Kangaroo cho các trẻ bị đẻ non và nhẹ cân, xây dựng một quy trình nhằm cải thiện tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Theo dự tính của Công ty Kimberly-Clark và UNICEF, các hoạt động này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 265.000 trẻ sơ sinh trong 3 năm và sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hơn một triệu trẻ sơ sinh hàng năm.
Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu, hợp tác với các doanh nghiệp giúp đẩy mạnh các hoạt động quan trọng nhằm tăng cường sức khỏe của bà mẹ và trẻ em và đẩy nhanh các tiến bộ. UNICEF vui mừng được cùng công ty Kimberly-Clark công bố mối quan hệ hợp tác với Bộ Y tế và UNICEF nhằm mang tới những cải thiện to lớn về sức khỏe và phúc lợi cho các bà mẹ và trẻ em Việt Nam, đặc biệt đối với những người dễ tổn thương nhất.
Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được chứng kiến hợp tác giữa Tập đoàn Kimberly-Clark Việt Nam và UNICEF nhằm góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ và sơ sinh ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên Việt Nam thông qua đào tạo nâng cao năng lực cho ngành Y tế tại trung ương và địa phương. Đây là những hỗ trợ quý báu và cần thiết, góp phần giúp ngành Y tế đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong việc giảm tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.
Giám đốc điều hành Kimberly-Clark Việt Nam, ông Ashwini Nagpal chia sẻ, với dự án lần này, Tập đoàn sẽ tài trợ 1 triệu USD trong 3 năm cho chương trình hành động tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, để hỗ trợ Bộ Y tế và Vụ Sức Khoẻ bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam trong những năm tới. Thông qua mối quan hệ hợp tác giữa Kimberly-Clark và UNICEF, mong muốn hỗ trợ chính phủ đạt được những mục tiêu tại những khu vực khó khăn.
Trong vòng 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao tỉ lệ sống của trẻ dưới năm tuổi. Trong thời gian từ năm 1990 đến năm 2018, tử vong ở trẻ dưới năm tuổi đã giảm 52 xuống còn 12 trẻ trên 1.000 ca sinh sống. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên vẫn còn ở mức cao, ở các tỉnh như Lai Châu và Kon Tum tỉ lệ này cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình toàn quốc.