Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, mà cụ thể ở đây là giữa bản Pô Tô và bản Cửa Cải, thị trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Thương lái phía Trung Quốc sang thu mua chuối của bà con trong bản Pô Tô (Việt Nam).
|
Cùng vươn lên làm kinh tếGần 4 năm kể từ khi tổ chức kết nghĩa
tháng 9/2014, người dân bản Pô Tô và bản Cửa Cải đã cùng phối hợp, giúp
đỡ nhau phát triển kinh tế, cung cấp, trao đổi giống, kỹ thuật, kinh
nghiệm nuôi trồng, trao đổi sản phẩm hàng hóa địa phương. Qua đó, kinh
tế gia đình của nhân dân hai bên ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo
giảm, số hộ khá giả tăng lên.
Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chuối trập trùng ngút tầm mắt, ông Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô phấn khởi nói: “Có kết nghĩa thì bên bạn (Trung Quốc) mới tạo điều kiện cho mình xuất chuối và các mặt hàng nông sản khác như ngô, khoai, sắn… sang bên bản Cửa Cải. Hai bên qua lại giao thương với nhau, bên bạn giới thiệu cho mình các chủ hàng tốt, hàng hóa đều bán được với giá cao. Từ khi kết nghĩa, đời sống kinh tế của bà con trong bản khấm khá hơn nhiều, nên không còn tình trạng bà con bỏ ruộng nương, gia đình xuất cảnh trái phép sang bên biên giới đi lao động”.
Theo ông Lê Văn Dung, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông, sau khi kết nghĩa, tốc độ phát triển kinh tế của bản Pô Tô phát triển nhanh, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Thu nhập bình quân của nhân dân trong bản Pô Tô trở thành một trong những bản đứng đầu huyện. Tính thu nhập đầu người, bản Pô Tô hiện nay đạt 26 triệu/người/năm, vượt mức mà tỉnh giao.
“Mối quan hệ giữa cư dân hai bên biên giới đã có từ lâu, song các hoạt động tương hỗ được thể hiện rõ nét hơn từ khi kết nghĩa, thể hiện rõ nét nhất qua việc hợp tác tiêu thụ nông sản như: ngô, chuối,... Nhiều hộ gia đình trong bản nhờ trồng cây chuối, cây ngô cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm”, ông Lê Văn Dung chia sẻ.
Thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai bảnTheo Đại úy Nguyễn Mạnh Linh, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu), mô hình kết nghĩa thôn bản hai bên biên giới không chỉ giúp bảo vệ biên giới bình yên, phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó và thống nhất giữa nhân dân hai nước. Sau khi kết nghĩa, người dân hai bên luôn giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống. Vào những ngày lễ, ngày tết truyền thống, mỗi khi có người ốm, có đám ma, đám cưới…, nhân dân hai bên thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, cùng xây dựng tình cảm nồng thắm giữa nhân dân hai bên biên giới.
Ông Lê Văn Dung cho biết, sự thay đổi rõ nét nhất sau khi kết nghĩa đó là tình cảm của nhân dân hai bên thực sự là thân thiện hơn. Từ bao đời nay, người dân sinh sống dọc dải biên giới Việt - Trung đã có tiếng nói, phong tục tập quán, lao động, canh tác với nhiều điểm tương đồng.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô cho biết, người dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải phần lớn là dân tộc Hà Nhì, có quan hệ thân tộc, hai bên thường xuyên sang thăm nhau, mời nhau mỗi khi có công việc. Đặc biệt, kể từ khi kết nghĩa, quan hệ lại thân thiết hơn như anh em, dễ làm ăn hơn. Mỗi khi xảy ra chuyện gì thì đều giải quyết trên tinh thần đoàn kết hữu nghị.
An ninh trật tự vùng biên ổn địnhĐường biên giới ngăn cách giữa bản Pô Tô (Việt Nam) và bản Cửa Cải (Trung Quốc) chỉ bằng một bức tường của con mương nhỏ. |
Trên thực tế, kể từ khi kết nghĩa, không chỉ đời sống kinh tế người dân bản Pô Tô và bản Cửa Cải được cải thiện đáng kể, mà tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội hai bên cũng được giữ vững, công tác quản lý cũng thuận lợi hơn.
Đại úy Nguyễn Mạnh Linh cho biết, nhân dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải luôn gìn giữ mối đoàn kết vốn có lâu đời giữa hai bên biên giới, không xảy ra mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, luôn nỗ lực chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. Hai bên luôn chấp hành nghiêm các Hiệp định về biên giới, giữ gìn an ninh trật tự; không để xảy ra trộm cắp tài sản, tranh chấp mâu thuẫn, vượt biên giới trái phép; luôn tôn trọng và bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc, không làm hư hỏng cột mốc; phối hợp tổ chức phát quang đường biên, cột mốc biên giới. Từ khi tổ chức kết nghĩa đã tổ chức được 4 lần, huy động được 80 người tham gia; cùng nhau bảo vệ môi trường cảnh quan biên giới xanh, sạch đẹp; không có hiện tượng chặt cây, đốt nương qua biên giới, vứt rác thải xuống suối biên giới…
Ông Lê Văn Dung khẳng định: “Sau khi kết nghĩa thì việc qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa với phía bạn có nhiều thuận lợi hơn, kể cả vấn đề đấu tranh với tội phạm trên biên giới... Đặc biệt, có nhiều vụ việc như mất xe, mất trâu bò của nhân dân, vượt biên, buôn bán và vận chuyển chất ma túy, lực lượng chức năng bên mình đã phối hợp lực lượng chức năng bên nước bạn cùng sử dụng những biện pháp nghiệp vụ phá án thành công”.
Có thể nói mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới là mô hình thiết thực, hiệu quả, sáng tạo. Mô hình này không những phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước, đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới Việt - Trung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.