Đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su ở Lai Châu

Năm 2017, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu đã đưa vào khai thác 1.432ha cao su với sản lượng 925,943 tấn mủ (trong đó có 10% là sản phẩm mủ của người dân góp đất).

Để có cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền lợi cho các hộ góp đất trồng cao su, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con.
       
Trải qua hơn 10 năm phát triển, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu đã trồng được 6.952,52ha cao su với diện tích góp đất là 8.700ha (chiếm 79,9%) trên địa bàn 2 huyện Phong Thổ và Sìn Hồ (Lai Châu) với chủ trương người dân góp quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh và được hưởng lợi theo phân chia sản phẩm. Tuy nhiên, đa số diện tích này chưa có sổ đỏ nên công tác đo đạc, quy chủ mất nhiều thời gian; bên cạnh đó, tranh chấp đất đai giữa người canh tác mới và cũ nên việc xác minh, giải quyết tranh chấp mất nhiều thời gian…
       
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu cho biết: Xác định vấn đề đất đai rất phức tạp do vậy ngay từ những ngày đầu, Công ty đã cùng với các cấp ngành có liên quan của tỉnh Lai Châu thống nhất vùng quy hoạch trồng cao su, đảm bảo diện tích trồng tập trung, liền vùng, liền khoảnh, bàn giao đến đâu tiến hành trồng cao su đến đó. Điều này giúp quá trình triển khai góp đất cũng như việc triển khai ký kết hợp đồng được rút ngắn.

Để hoàn thành việc ký kết hợp đồng với người dân góp đất trồng cao su, Công ty đã thành lập tổ rà soát toàn bộ diện tích đất của đơn vị quản lý do đồng chí Phó Tổng Giám đốc phụ trách nông nghiệp làm tổ trưởng nhằm tham gia trực tiếp giải quyết, ký hợp đồng với hộ dân. Đồng thời, thống nhất xác định diện tích các hộ dân tham gia góp đất với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, chính quyền các xã trước khi triển khai nhằm đảm bảo tính chính xác khi ký kết hợp đồng. Công ty chủ động trong việc đo đạc, xây dựng bản đồ, sơ đồ lô, giúp việc soạn thảo hợp đồng tách diện tích góp đất theo năm của từng hộ dân nhanh chóng, chính xác, dễ dàng.

Ngoài ra, Công ty sử dụng các phần mềm bản đồ trong quá trình kiểm tra, xác minh đảm bảo tính chính xác cao, hạn chế được khúc mắc, sai sót; phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khúc mắc hộ dân góp đất. Trong quá trình triển khai ký kết, những vấn đề chưa được giải quyết, Công ty tổng hợp lập biên bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết; phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương các xã trong việc xác minh, ký kết hợp đồng góp đất với hộ dân. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tháo gỡ những vướng mắc ngay từ đầu theo phương án ký hợp đồng bản nào dứt điểm bản đó, hộ dân nào đồng ý ký trước hộ dân nào chưa đồng thuận thì vận động ký sau.
       
Ông Tao Văn Khằm, bản Nậm Tăm 1, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết: “Trước đây khi nhắc đến việc góp đất trồng cây cao su, bà con không mặn mà vì sợ mất đất và nghĩ cao su đưa vào đây trồng không phát triển. Gia đình tôi góp 3ha đất trồng cao su, con gái tôi cũng được tham gia làm công nhân. Công ty cao su và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng góp đất để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau này thuận lợi cho việc chi trả sản phẩm khi tham gia góp đất trồng”.
       
Do địa bàn ký kết hợp đồng rộng rãi trải dài trên 2 huyện Sìn Hồ và Phong Thổ với 11 xã, 89 bản trong khi diện tích ký kết và số hộ góp đất lớn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tiến độ ký kết hợp đồng. Công ty đã lên phương án triển khai, phân công cán bộ phụ trách giải quyết từng khu vực, ưu tiên ký kết tại các bản có diện tích cao su trồng từ năm 2008, 2009 để kịp thời chi trả cho người dân. Riêng diện tích 3.902ha với 2.935 hộ đã ký hợp đồng theo mẫu cũ sẽ được đơn vị ký thêm phụ lục hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của người dân góp đất theo quy định. Công ty cũng xây dựng dữ liệu diện tích trồng cao su theo năm tương ứng với diện tích đất góp của người dân để làm cơ sở phân chia sản phẩm mủ cao su cho hộ dân, cá nhân tham gia góp đất.
       
Ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết them, Công ty đã ký hợp đồng 6.148/8.700ha (đạt 70,67% diện tích) với 3.828/5.605 hộ (đạt 68,3% số hộ). Công ty đang gấp rút lên toàn bộ danh sách diện tích, số hộ được hưởng lợi góp đất để thực hiện chi trả 10% sản phẩm mủ trong tổng số 1.432ha (925,943 tấn mủ) khai thác năm 2016, 2017. Việc chi trả được Công ty tính toán với số tiền gần 2,5 tỷ đồng và dự kiến trong tháng 5/2018 sẽ thực hiện chi trả cho hộ dân góp đất trồng cao su. Đối với việc ký kết hợp đồng, Công ty phấn đấu trong tháng 7/2018 sẽ hoàn thiện toàn bộ 100% diện tích, đảm bảo quyền lợi cho người dân.


Việt Hoàng (TTXVN)
Bình Phước: Đình chỉ 6 tháng công ty chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường
Bình Phước: Đình chỉ 6 tháng công ty chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường

Ngày 6/4, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cho biết đã ra quyết định phạt 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Thanh Thủy (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) do xây dựng trái phép và xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN