Nằm ở cực bắc Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có 274 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua các cửa khẩu, nhằm phát huy tiềm năng vốn có của tỉnh, Hà Giang đã và đang quan tâm phát triển kinh tế biên mậu, coi đây là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Đặc biệt, tỉnh đã chủ trương phát triển kinh tế biên mậu gắn với ổn định dân cư tại các địa bàn biên giới.
Cửa khẩu Thanh Thủy, một trong những cửa khẩu quan trọng của tỉnh Hà Giang. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Kinh tế biên mậu được coi trọng đầu tư từng bước qua từng năm, từng giai đoạn. Công tác phát triển kinh tế biên mậu gắn với chương trình ổn định dân cư biên giới được triển khai ở các huyện biên giới của tỉnh như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Vị Xuyên, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Là huyện vùng cao biên giới, huyện Đồng Văn và thị trấn Phó Bảng đã thực hiện có hiệu quả việc quy tụ dân cư gắn với phát triển kinh tế biên mậu. Cuộc sống của người dân dần đi vào ổn định, tạo thuận lợi trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Bà con dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Huyện Xín Mần nằm ở vùng cao phía tây của tỉnh cũng đã cơ bản xây dựng theo quy hoạch phát triển kinh tế biên mậu, ổn định dân cư biên giới theo mục tiêu hội nhập nền kinh tế, gắn liền với mở rộng kinh tế thương mại biên mậu. Đã có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Xín Mần để tìm hiểu, hợp tác kinh tế, tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Hoàng Su Phì là huyện có 4 xã biên giới với 39,957 km đường biên giáp với Trung Quốc. Trên địa bàn huyện có hai cửa khẩu tiểu ngạch là mốc 227 (xã Thàng Tín) và mốc 7 (xã Bản Máy), rất thuận lợi cho hợp tác thương mại, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế biên mậu giữa huyện Hoàng Su Phì và Ma Li Pho (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện cả hai cửa khẩu tiểu ngạch này đều hoạt động chưa được như mong muốn. Giao thương giữa người dân hai bên vẫn mang tính tự phát, đơn lẻ theo nhu cầu trao đổi hàng hóa. Cư dân ở đây phần lớn vẫn sống rải rác trên núi cao, phân tán, địa hình dễ sạt lở. Chính vì vậy, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt dự án xây dựng phát triển kinh tế biên mậu, ổn định dân cư biên giới thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì). Với quy hoạch đầu tư xây dựng trên diện tích 13.137 m2, gồm hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình kiến trúc. Dự án sẽ hỗ trợ ổn định cho 35 - 40 hộ dân, trong đó bố trí cho 14 hộ về sống tập trung trong khu chợ, bao gồm các hộ dân đang sinh sống, sản xuất quanh khu vực dự án, các hộ trong vùng nguy cơ sạt lở cao và các hộ sống rải rác. Tổng mức đầu tư dự án là trên 30 tỷ đồng. Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện, đến nay nhiều công trình, hạng mục đã hoàn thành về cơ bản.
Ông Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Dự kiến sau khi dự án đi vào hoạt động, 14 hộ dân trong vùng chợ và 4 hộ trên sườn núi dọc trục đường đi mốc 227 sẽ được cấp 200 m2 đất/hộ và kinh phí xây dựng được Nhà nước hỗ trợ là 50 triệu đồng/hộ. 40 hộ trong vùng dự án cũng sẽ được bố trí đất sản xuất, trung bình mỗi hộ 2 ha, đảm bảo thuận lợi cho các hộ ổn định đời sống, sản xuất.
Dự án xây dựng phát triển kinh tế biên mậu, ổn định dân cư biên giới thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín (Hoàng Su Phì) là mô hình điểm về quy tụ, ổn định dân cư, gắn với phát triển kinh tế biên mậu của Hà Giang được các cấp, các ngành quan tâm và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ. Khi dự án hoàn thành, chắc chắn sẽ mang lại khởi sắc cho cả một vùng biên. Đông đảo bà con dân tộc thiểu số nơi đây và các vùng lân cận sẽ được hưởng lợi từ dự án này, góp phần giữ vững vùng biên cương của Tổ quốc.
Minh Tâm