Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: EPA/ TTXVN
Ông Ryan Zhao, Giám đốc công ty dệt may Jiangsu Green Willow, cho biết một số công ty Mỹ đã ngừng kế hoạch nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc, điều này có thể khiến người tiêu dùng Mỹ mất quyền tiếp cận một số sản phẩm từ nước này kể từ tháng 6.
Đối với những sản phẩm vẫn tiếp tục được xuất sang Mỹ, ông Zhao cho biết rằng “không thể dự đoán trước” giá hàng hóa tăng bao nhiêu. Ông nhấn mạnh: “Thời gian vận chuyển từ cảng Trung Quốc đến kệ siêu thị Mỹ mất khoảng 2 đến 4 tháng. Trong hai tháng qua, thuế đã tăng từ 10% lên tới 125%”.
Trong khi đó, gần đây, Nhà Trắng xác nhận lại mức thực tế hiện nay đối với hàng Trung Quốc đã lên đến 145%. Theo một chuyên gia kinh tế của tổ chức Tax Foundation, mức thuế ba chữ số gần như chặn đứng phần lớn hoạt động thương mại. Tuy vậy, mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung được nhận định sẽ không thay đổi trong “một sớm một chiều” mặc dù các công ty Mỹ đang tìm kiếm nguồn cung thay thế.
Ông Tony Post, Giám đốc điều hành (CEO) hãng giày thể thao Topo Athletic có trụ sở tại Mỹ, cho biết đang mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp tại một quốc gia Đông Nam Á bên cạnh các đối tác hiện tại ở Trung Quốc.
Khi 2 đợt thuế quan 10% đầu tiên của Mỹ áp đặt lên Trung Quốc vào đầu năm nay, ông cho biết 4 nhà cung cấp Trung Quốc đã đề nghị chia sẻ chi phí cùng với Topo. Ông nói rằng ngay từ bây giờ, chi phí phải trả cho thuế nhập khẩu đã vượt quá giá trị sản phẩm chỉ trong vài tháng qua.
“Cuối cùng tôi sẽ phải tăng giá và tôi không biết chắc điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, ông Post nói trong lo âu. Trước khi chính quyền ông Trump tiến hành áp thuế quan, ông Post dự đoán doanh thu năm 2025 sẽ đạt gần 100 triệu USD và chủ yếu đến từ thị trường Mỹ.
Tác động đối với nền kinh tế
Hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang mờ dần sau khi Bắc Kinh đáp trả mạnh mẽ bằng các biện pháp thuế quan theo kiểu "ăn miếng trả miếng" cũng như áp dụng các hạn chế sâu rộng đối với một loạt doanh nghiệp Mỹ trong tuần qua.
Theo chia sẻ vào ngày 10/4 của ông Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm tới 80% trong hai năm tới do ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu quá cao.
Goldman Sachs hôm 10/4 đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩn quốc nội (GDP) Trung Quốc xuống còn 4% với lý do căng thẳng thương mại và tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Mặc dù xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% GDP của Trung Quốc, nhưng tác động đến việc làm của người dân là khá đáng kể. Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính có từ 10 đến 20 triệu lao động Trung Quốc tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Trước tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chuyển hướng sang thị trường nội địa. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm 10/4 rằng đã tập hợp các hiệp hội doanh nghiệp lớn họp bàn giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, theo số liệu công bố hôm 10/4, người tiêu dùng Trung Quốc được xem là vẫn khá dè dặt trong chi tiêu và xu hướng này càng rõ hơn khi chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm.
“Thị trường nội địa Trung Quốc không thể hấp thụ nổi nguồn cung hiện tại, chưa nói đến lượng bổ sung”, ông Derek Scissors, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nhận định.
Ông nhận định Bắc Kinh có thể thực hiện theo một số giải pháp như: nhượng bộ với Mỹ, bán phá giá sản phẩm sang các nước khác, trợ cấp cho các công ty thua lỗ và để các doanh nghiệp tự phá sản. Tuy nhiên, việc chuyển hướng hàng hóa sang các nước khác có thể khiến những quốc gia này tăng rào cản thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, việc trợ cấp doanh nghiệp lại có thể làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công và áp lực giảm phát trong nước.
Trung Quốc đã đặt ra ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng trong năm nay và đã mở rộng trợ cấp cho chương trình đổi mới hàng tiêu dùng, tập trung vào các thiết bị gia dụng. Giáo sư Li Daokui tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) chia sẻ với CNBC hôm 10/5 rằng ông nhận định sẽ có thêm các biện pháp kích cầu “trong vòng 10 ngày tới”.
Khó có thể thay thế được nguồn hàng hóa từ Trung Quốc
Trong nhiều năm qua chính phủ Mỹ đã nỗ lực khuyến khích các nhà sản xuất xây dựng nhà máy tại nước này, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp và nhà phân tích, không dễ dàng để phát triển các cơ sở đó cũng như và tìm kiếm lao động lành nghề.
“Chúng tôi không thể có được thiết bị tương đương từ các nguồn tại Mỹ”, hãng Ford cho biết trong đơn yêu cầu miễn thuế tại Mỹ vào tháng trước đối với một thiết bị được sử dụng để sản xuất pin xe điện. “Một nhà cung cấp của Mỹ sẽ không có kinh nghiệm cụ thể về quy trình xử lý và gia nhiệt”, hãng này nhận định.
Bên cạnh đó, hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk và nhiều tập đoàn lớn khác cũng đã nộp đơn xin miễn trừ thuế tương tự tại Mỹ.
Một lượng lớn hàng hóa chủ yếu có thể chỉ có thể tìm thấy từ Trung Quốc. Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, Mỹ chỉ nhập khẩu 36% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng có hơn 70% trong số đó chỉ có thể đến từ các nhà sản xuất có trụ sở tại nền kinh tế thứ hai thế giới này. Điều này cho thấy việc tìm nguồn thay thế không dễ dàng. Trong khi đó, chỉ 10% hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ phụ thuộc vào nhà cung cấp Mỹ.
Trung Quốc cũng đang hướng đến sản xuất các mặt hàng cao cấp. Theo báo cáo của Allianz Research vào tuần trước, ngoài quần áo và giày dép, Mỹ còn phụ thuộc vào Trung Quốc về máy tính, máy móc, thiết bị gia dụng và điện tử,
Hàng xuất khẩu Trung Quốc tìm kiếm các thị trường khác Mỹ
Theo số liệu từ Cục Thống kê Mỹ, vào năm 2024, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn thứ hai của Mỹ, với kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 2,8% lên mức 438,95 tỷ USD. Mexico đã vươn lên vị trí đứng đầu từ năm 2023.
Ông Zhao, Giám đốc của Green Willow Textile cho biết nhiều công ty dệt may Trung Quốc lớn đang chuyển hướng sang nhiều thị trường khác. “Năm nay, chúng tôi đang phát triển khách hàng tại Đông Nam Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ”, ông Zhao nói. Công ty ông không thể chịu đựng thêm thuế suất mới khi biên lợi nhuận ròng năm ngoái chỉ đạt có 5%.
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, thương mại Trung Quốc với Đông Nam Á đã tăng mạnh kể từ từ năm 2019. Vào năm 2024, khu vực này trở thành đối tác lớn nhất của Trung Quốc và tiếp theo đó là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Tổng thống Trump hôm 9/4 đã tạm hoãn kế hoạch áp thuế quan đối ứng ở mức cao với hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Khoảng dừng đó đã mang lại sự nhẹ nhõm trong chốc lát cho những người như ông Steve Greenspon, CEO của công ty đồ gia dụng Honey-Can-Do International có trụ sở tại bang Illinois (Mỹ), người đã chuyển nhiều hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Ông Greenspon cho biết: “Việc tạm hoãn cho phép chúng tôi tiếp tục kinh doanh như thường lệ bên ngoài Trung Quốc, nhưng chúng tôi không thể lập bất kỳ kế hoạch dài hạn nào. Thật khó để nắm cách xoay chuyển vì chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong 90 ngày nữa”.
Một số chuyên gia cho rằng những điều kiện thực tế về tình hình kinh tế hiện nay có thể thúc đẩy Mỹ và Trung Quốc tiến đến một thỏa thuận.
Ông Gary Dvorchak, CEO tại Blueshirt Group, nhận định các mức thuế mới chỉ mới được công bố vài ngày gần đây và có khả năng đây là động thái mang tính “mặc cả” trước khi đạt được thỏa thuận, có khả năng sớm nhất trong vài ngày tới.
Dù hai bên đang dùng lời lẽ cứng rắn, ông cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều có quá nhiều thứ để mất nếu thuế quan được áp dụng vĩnh viễn. Ông cho biết, việc Mỹ bị cắt hoàn toàn nguồn hàng hóa nhập.