Tại lớp đào tạo nghề trồng nấm ở bản Én Luông, xã Mường Than, huyện Than Uyên có 30 học viên là người dân tộc Thái tại địa phương tham gia. Học viên được học lý thuyết và thực hành nghề trồng nấm rơm. Sau 3 tháng đào tạo, các học viên có thể tự tổ chức sản xuất nấm ở qui mô gia đình, nhóm hộ, vừa phục vụ đời sống vừa bán ra thị trường thu lợi nhuận.
Anh Vàng Văn Xum, bản Én Luông, xã Mường Than chia sẻ: Trước đây, tôi nghĩ việc trồng nấm rơm rất khó, không biết phải bắt đầu từ đâu, nhất là khâu xử lý nguyên liệu. Tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên mở, tôi đã nắm được kiến thức cơ bản về trồng nấm rơm trên nguyên liệu rơm và bông hạt... Tuy nhiên, anh Vàng Văn Xum cho rằng, do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu vốn nên anh cũng như nhiều người khác học nghề xong lại để đấy.
Lãnh đạo UBND xã Mường Than cho rằng, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn bên cạnh chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, cần tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của người dân, đồng thời cần thu hút các doanh nghiệp vào địa phương đầu tư, tạo việc làm cho lao động nông thôn có tay nghề.
Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên, mỗi năm, huyện Than Uyên tổ chức đào tạo, dạy nghề cho gần 1.000 lao động nông thôn, giới việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, quá trình đào tạo, dạy nghề Trung tâm gặp không ít khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân không đồng đều nên việc phát huy kiến thức đã học còn hạn chế.
Sau khi kết thúc khóa học, người lao động thường không có vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh theo ngành nghề được học... Đặc biệt, quy định mỗi lao động chỉ được hỗ trợ học một nghề duy nhất gây khó khăn cho nhiều người muốn chuyển đổi ngành nghề khác. Ngoài ra, Trung tâm còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo như xưởng thực hành, vườn thực nghiệm, khu vực dành cho học viên rèn nghề…
Bà Hoàng Thị Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên cho biết: Năm 2017, Trung tâm mở 33 lớp học nghề, với 994 học viên. Để công tác đào tạo, dạy nghề thiết thực, phù hợp, hiệu quả, ngoài việc dạy, đơn vị còn tư vấn học nghề, việc làm, hướng nghiệp cho lao động và học sinh để từ đó lựa chọn cho mình nghề phù hợp. Đơn vị cũng chủ động xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo sát với thực tế tại địa phương, đồng thời tư vấn, lợi ích học nghề cho các đối tượng...
Để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề, theo bà Hoàng Thị Anh, các cấp chính quyền cần hỗ trợ người lao động chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Đặc biệt, các cấp, ngành nên hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn cho học viên đầu tư, duy trì kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, có cơ chế mở các ngành nghề để thu hút lao động địa phương tham gia nhất là vấn đề giải quyết, giới thiệu việc làm cho lao động sau khi được đào tạo, dạy nghề. Năm 2018, Trung tâm hướng dạy nghề tập trung vào kỹ thuật trồng chè, quế, giúp bà con phát triển kinh tế bền vững; trong đó, trọng tâm đưa một số mô hình trồng cây ăn quả, cây đỗ tương xen canh các nương chè, mô hình trồng dứa xen cây quế góp phần tăng thu nhập cho bà con.
Ông Hoàng Văn Hiêng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên khẳng định, công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa bàn đang góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giúp chuyển biến trong nhận thức của người dân về phát triển kinh tế. Song để giải quyết những khó khăn trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, chính quyền các cấp cần lựa chọn, tập trung đào tạo ngành nghề cần thiết, phù hợp với mỗi vùng miền; có cơ chế vay vốn ưu đãi hay dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Có như vậy, công tác đào tạo, dạy nghề mới mang lại hiệu quả cho lao động nông thôn nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi.