Quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề Tây Nguyên

Làm rõ hơn vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghề vùng Tây Nguyên (đăng tải trên Báo Tin Tức Cuối tuần số 6), một số ý kiến cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cần quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực lâu dài.

Chủ yếu đào tạo ngắn hạn

Khu vực Tây Nguyên có 22/92 huyện nghèo, chiếm gần 30% cả nước. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong tổng dân số của các tỉnh Tây Nguyên cao (38,7%) và nhiều hộ có thu nhập thấp. Trong khi đó, việc tuyển sinh, đào tạo nghề nội trú cho các học viên người dân tộc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Một lớp dạy tay nghề tại Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên.


Đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 108 cơ sở đào tạo nghề gồm 6 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp, 90 trung tâm dạy nghề. Trong đó, Kon Tum và Đắk Nông chưa có trường cao đẳng nghề. Toàn vùng mới có trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên với nhiệm vụ chính là dạy nghề cho người dân tộc thiểu số và 2 trường trung cấp nghề thanh niên dân tộc nội trú (Phú Yên và Quảng Nam) nên chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề nội trú của thanh niên dân tộc Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên. 

Một số tỉnh chưa có trường dân tộc nội trú đã thành lập khoa nội trú trong trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề nhưng số lượng học sinh học nội trú thấp. “Mục tiêu 60% số học sinh, sinh viên được đảm bảo chỗ nội trú chưa thực hiện được”, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết.

Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn đã có sự tăng trưởng đáng kể. Trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác tuyển sinh, đào tạo tại 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 427.921 người, tăng 3,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Riêng dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 đã dạy nghề cho 213.516 người; trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số; 42,4% học nghề phi nông nghiệp và 57,6% học nghề nông nghiệp. Theo báo cáo các địa phương, tỷ lệ lao động của toàn vùng tăng từ 26,25% năm 2010 lên 33,5% vào năm 2015.

Theo phân tích của Tổng cục Dạy nghề, đa phần tuyển sinh trong giai đoạn này là lớp đào tạo ngắn hạn. Còn tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp chỉ chiếm khoảng 8,4%. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là trung tâm cấp huyện, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu; trong khi nhiều trung tâm được đầu tư nhà xưởng nhưng không có máy móc, thiết bị phục vụ đào tạo nên đang trong tình trạng lãng phí và xuống cấp nghiêm trọng”.

“Tỷ lệ đào tạo nghề ngắn hạn trong giai đoạn qua còn nhiều bất cập như cả làng cùng học một nghề như sửa xe máy, xây dựng... Điều này dẫn đến hiệu quả chưa cao”, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định.

Học để mưu sinh

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dân số của vùng Tây Nguyên khoảng 8 triệu người. Dự báo đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có dân số khoảng 10 triệu người, lực lượng lao động của cả vùng khoảng 5,7 triệu người. Một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề cho lao động.

Từ thực tế cơ sở, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) cho rằng: Huyện có thế mạnh về cây công nghiệp với hơn 20.000 hecta trồng cà phê, hồ tiêu, cao su. Do đó, việc đào tạo nghề gắn với các kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây này. Việc đào tạo nghề sẽ theo hướng thay đổi tư duy của người học là để hành nghề, học để mưu sinh; nâng mức hỗ trợ cho giáo viên, nhất là giáo viên có trình độ tay nghề cao và học viên; có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp cùng vào cuộc. Hiện ở Gia Lai, mới chỉ có các doanh nghiệp cao su đang đồng hành tích cực để đào tạo nghề cho bà con.

“Tổng cục Dạy nghề cùng các tỉnh phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề trên cơ sở tổ chức lại các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề phù hợp với việc chuyển dịch kinh tế của vùng Tây Nguyên. Đến năm 2020, trên địa bàn Tây Nguyên, mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường cao đẳng để đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và khu vực; trong đó mỗi trường có ít nhất 2 - 3 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 3 - 5 nghề cấp độ quốc gia”, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, là vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh trong vùng cần sớm bố trí ngân sách đầu tư xây mới hoặc nâng cấp các trường trung cấp dân tộc nội trú hoặc thành lập khoa nội trú ở các tỉnh Tây Nguyên để có đủ điều kiện đáp ứng cho trên 60% học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

Tổng cục Dạy nghề cũng tham mưu cho Bộ LĐTBXH xây dựng hệ thống chính sách đặc thù chính sách hỗ trợ người học nghề, chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Đối với các cơ sở đào tạo cần phải chủ động, đổi mới quản lý theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Chủ động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo gắn với việc làm cho người học. Bên cạnh đó hệ thống thông tin thị trường lao động cần phải được phổ biến tuyên truyền tốt hơn nữa để doanh nghiệp, người dân, người học nắm bắt và có cơ hội gặp nhau ở thị trường đào tạo, thị trường lao động.


Xuân Cường
Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, thị trường
Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, thị trường

Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là địa bàn có kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là các vùng sâu, vùng gần biên giới, có tới 45/63 huyện nghèo nhất cả nước (tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 khoảng 15%).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN